10 Tiểu Thuyết Chân Thực Nhất Về Giới Điệp Viên – YBOX

Đa số văn chương viết về hoạt động tình báo, giống như chính hoạt động tình báo,thường không đáng tin. Nhưng cũng có vài tác phẩm đáng để đọc và tin.

“Sự phản bội”, “Cám dỗ” và “Bất chấp thủ đoạn” từ lâu đã trở thành cốt lõi của nghệ thuật tình báo. Và những tác phẩm viết về giới điệp viên – dù là chuyện thật hay hư cấu – vẫn tiếp tục mê hoặc chúng ta bằng câu hỏi muôn thuở: liệu mục đích sau cùng có đủ biện minh cho những hành động gián điệp ám muội, xấu xa?

Để hoàn thành tác phẩm mới – The New Spymaster (tạm dịch: Sự thật về các “trùm gián điệp”), tôi đã mất gần 20 năm ròng rã tiếp cận và phỏng vấn giới điệp viên kể từ lúc họ bắt đầu lộ diện sau thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ. Mất nhiều thời gian như vậy bởi tôi muốn đưa ra một điều mà tôi tin là độc đáo – phản ánh hoạt động tình báo hiện đại dưới góc nhìn của một người ngoài cuộc, hoàn toàn trung lập mà vẫn có đầy đủ thông tin. Đã có quá nhiều sách viết về điệp viên được “tô vẽ” khác sự thật bởi chính người trong cuộc, hoặc bởi những nhà văn thiếu kiến thức, hay thậm chí, bởi người viết đã được mặc cả để “ngòi bút bị bẻ cong” để đổi lấy những thông tin họ được cung cấp.

Sau khi phỏng vấn rất nhiều người với tổng số năm kinh nghiệm trên 1.000 năm, tôi hy vọng mình đã thực hiện được lời hứa cho độc giả thấy hoạt động tình báo và truy tìm gián điệp giữa hàng ngũ những kẻ địch mới và tàn bạo là như thế nào trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Dù sách về mảng này vẫn tồn tại sự giả dối và lấp liếm, tất nhiên vẫn có một vài tác phẩm tuyệt vời, không thể bỏ qua, đã lột tả xuất sắc thế giới điệp viên – thế giới của sự phản bội – đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.

1. Kim (1900) – Rudyard Kipling

Kim

Tôi có thể đọc không bao giờ chán những cuốn tiểu thuyết cổ điển về tình báo con người, những cuốn sách đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ những người tìm thấy chính mình trong nhân vật “Kim”- được sinh ra “với khát khao dấn thân vào cuộc sống tha hương đầy rủi ro sống còn để tìm ra tin tức”. Với Kim, Kipling miêu tả một “đứa trẻ toàn cầu” gốc Anh-Ấn, hòa nhập dễ dàng giữa các nền văn hóa và có thể điềm nhiên trà trộn vào hàng ngũ địch mà chẳng mất công. Một hình mẫu điệp viên đáng ước ao.

2. The Riddle of the Sands (tạm dịch: Câu đố của bãi cát) (1903) – Erskine Childers

The Riddle of the Sands

Cũng là một tiểu thuyết cổ điển, cốt truyện kể về chuyến đi bằng du thuyền đến bờ biển phía Bắc nước Đức nhằm lật tẩy kế hoạch xâm lược nước Anh. Lối nói bông đùa, bỡn cợt kiểu “tài tử” của giới thượng lưu được mô tả trong cuốn sách về sau đã trở thành những mánh khóe đầu tiên được giới điệp viên áp dụng ngoài đời thực. Cuốn tiểu thuyết vừa là câu chuyện tuyệt vời về du ngoạn bằng thuyền trên Biển Bắc, vừa lồng ghép những tình tiết lột tả sự khéo léo và khả năng ứng biến của cặp đôi gián điệp tài ba. Ngược lại với những gì mọi người nghĩ, và với những gì thường viết trong sách, trong giới tình báo, hoạt động gián điệp thường được nhận một cách tình nguyện, và các điệp viên ngày nay cũng không hay mặc áo tuýt.

3. Inside the Company: CIA Diary (tạm dịch: Bên trong tổ chức: Nhật ký CIA) (1975) – Philip Agee

Inside the Company - CIA Diary

Tác giả Philip Agee, một cựu điệp viên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vừa qua đời tại Cuba năm 2008, được xem như là “Edward Snowden” thế hệ trước. Tiết lộ danh tính hơn 250 gián điệp trên khắp thế giới, cuốn sách cho thấy sự thật về những gì nước Mỹ đã làm trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ông còn còn phơi bày cách thức CIA ngấm ngầm hỗ trợ chế độ độc tài, tra tấn tù nhân, mua chuộc công đoàn và các tổ chức chính trị, tóm lại, bất chấp thủ đoạn để chống phá chủ nghĩa Cộng sản.

4. My Five Cambridge Friends (tạm dịch: Bộ 5 gián điệp Cambridge) (1994) – Yuri Modin

My Five Cambridge Friends

Cuốn sách tuyệt vời về những động cơ phía sau sự phản bội này được viết bởi người từng đứng đầu hoạt động gián điệp Sô-viết ở Luân Đôn, người kiểm soát nhóm gián điệp được gọi là “Bộ Năm Cambridge” (Cambridge Five). Nhóm này bao gồm cả Kim Philby, kẻ phản bội lớn nhất thời đại, kẻ đã trở thành người lãnh đạo nhánh phản Sô-viết của MI6. Theo Modin, những thành viên gián điệp Cambridge hầu hết đều do tự nguyện tham gia bởi ý thức hệ của họ. Họ xuất thân từ một thế hệ muốn “kiếm cớ để phản bội cha mẹ mình”. Sau khi dính vào trò chơi gián điệp, tuy nhiệt tình dành cho chủ nghĩa Mác có giảm đi nhưng họ khó có thể tìm ra lối thoát.

5. The Main Enemy (tạm dịch: Kẻ thù chính) (2003) – Milton Bearden và James Risen

The Main Enemy

Milton Bearden – Cựu lãnh đạo bộ phận chống Xô-viết của CIA, đã viết nên tác phẩm xuất sắc thuật lại một trong những nhiệm vụ tình báo gay cấn nhất: làm gián điệp sau Bức Màn Sắt (đường biên giới mang tính vật lý lẫn biểu tượng chia Đông Âu thành hai vùng riêng rẽ từ1945-1991 – nd). Nước Nga trong Chiến tranh lạnh là “khu vực bị phong tỏa” trong đó, việc tiếp xúc của người dân Nga với người nước ngoài bị giới hạn nên rất khó tuyển dụng điệp viên làm việc tại đây. Nỗ lực giữ liên lạc và bảo vệ những điệp viên trong vùng cũng vì vậy đòi hỏi sự khéo léo phi thường. Bearden cũng tham gia vào nhiệm vụ trong cuộc chiến của CIA ở Afghanistan năm 1980 – một hành động bí mật với ảnh hưởng lớn không thể phủ nhận.

6. A Spy for All Seasons (Tạm dịch: Điệp viên bốn mùa) (1997) – Duane R Clarridge

A Spy for All Seasons

Đây là một cuốn hồi ký tiết tấu nhanh được viết bởi người thành lập Trung tâm chống khủng bố của CIA những năm 1980. Ông đã đi trước thời đại khi kể lại thời kỳ đầu trong cuộc chiến chống các nhóm khủng bố không quốc gia – đối tượng sau này trở thành kẻ thù chính của CIA trong thế kỷ 21. Bị vướng vào vụ bê bối Iran – Contra năm 1991, Clarridge đã và luôn là kiểu người chẳng cần biện minh khi hành động. Tuy nhiên, khi kể lại trong hồi ký (ví dụ, mô tả cách đánh bại “kỳ phùng địch thủ” Abu Nidal), ông cho chúng ta thấy sự kết hợp giữa hoạt động bí mật, những phân tích tinh vi và các thủ pháp gián điệp đã tạo nên hoạt động chống khủng bố như thế nào.

7. The Tailor of Panama (tạm dịch: Người thợ may Panama) (1997) – John le Carré

small_The Tailor of Panama

Không ai hơn được Le Carré với những cốt truyện bậc thầy, và lời văn bạo lực nhưng hết sức lôi cuốn. Để tiết chế chuỗi hành động, ông mang đến sự căng thẳng tâm lý, những nghịch lý và u uất tuyệt đối của công việc gián điệp. Vậy bạn nên đọc cuốn sách nào của ông? Có lẽ một số tác phẩm gần đây của ông (như The Constant Gardener, hay A Truth Delictate) có vẻ hơi thiên về luân lý, mô tả công việc tình báo dường như gắn liền với các tập đoàn ma quỷ. Tôi đặc biệt thích Người thợ may ở Panama vì cuốn sách đã lột trần sự kết hợp không dễ dàng giữa một bên là nghệ thuật tình báo và tất cả những sự dối trá xung quanh nó, và một bên là nhiệm vụ tìm ra sự thật của nghề gián điệp.

8. Fallout: The True Story of the CIA’s Secret War on Nuclear Trafficking (tạm dịch: Một vụ đổ bể: Câu chuyện thật sự về cuộc chiến bí mật của CIA trong buôn lậu hạt nhân) (2011) – Catherine Collins và Douglas Frantz

Fallout - The True Story of the CIA’s Secret War on Nuclear Trafficking

Ở Mỹ và Nga có hơn 1.800 đầu đạn hạt nhân luôn sẵn sàng khai hỏa trong vòng 15 phút. Khi các quả bom này còn tồn tại và hiểm nguy từ việc sử dụng, phổ biến chúng vẫn đang rình rập, không có lý do gì các cơ quan gián điệp, với tất cả các tội lỗi của họ, lại có thể biến mất. Trong tác phẩm tuyệt vời này, Collins và Frantz tiết lộ những nỗ lực tình báo giúp ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Lybia từ năm 2003. Họ cũng thuật lại những tình huống tiến thoái lưỡng nan, trong đó để bảo vệ một gián điệp Thụy Sĩ đặc biệt quan trọng thuộc mạng lưới phổ biến vũ khí hạt nhân, CIA có thể đã phải đổi bằng những bí mật bom mìn chết người.

9. Agent Storm: My Life Inside al-Qaeda and the CIA (Điệp viên Storm: Cuộc sống trong lòng al-Qaeda và CIA) (2014) – Morten Storm

Agent Storm - My Life Inside al-Qaeda and the CIA

Đây có lẽ là cuốn sách hay nhất về điệp viên bí mật thời hiện đại. Trong cuốn sách, Morten Storm, một người cải đạo Hồi, đã thuật lại sống động quá trình anh làm gián điệp cho CIA và Cục Tình báo Anh nhằm chống lại phe cực đoan ở châu Âu và al-Qaeda ở Yemen. Rõ ràng những điệp viên “tân binh” như Storm rất khó xoay sở, nhưng họ cũng có được sự can đảm tuyệt vời cần thiết khi nằm vùng sâu trong lòng địch mà không được hỗ trợ.

10. Agents of Innocence (tạm dịch: Điệp viên trong sạch) (1987) – David Ignatius

Agents of Innocence

Ngoài “đánh cắp” thông tin mật, công việc của một gián điệp trong đời thực còn xoay quanh việc thiết lập liên lạc với kẻ thù và xây dựng các đường dây bí mật. Tác phẩm cổ điển này được xem là một trong những tiểu thuyết gián điệp Mỹ hay nhất mọi thời đại, đã miêu tả vô cùng sát thực trò chơi tình báo tinh tế giữa CIA và Tổ chức Giải phóng Palestine. Câu chuyện gây tiếng vang nhờ mô tả công việc đầy hiểm nguy – bí mật tiếp xúc với những kẻ giết người cực đoan ngày nay.

Theo Bookaholic.vn