BHG – Keo là loài cây mọc nhanh, tán dày, thường xanh, sau trồng 2-3 năm rừng đã khép tán, cải thiện được tiểu khí hậu, che chắn hạn chế dòng chảy, góp phần cố định đạm cho đất và là cây cung cấp gỗ nguyên liệu làm giấy, gỗ dán, ván dán, gỗ xẻ, đóng đồ mộc cao cấp,…. Để nâng cao năng suất sản phẩm gỗ, rút ngắn chu kỳ kinh doanh và tăng hệ số sử dụng đất, các cá nhân, tổ chức trồng rừng sản xuất nên trồng các loại Keo như: Keo lai giâm hom, Keo tai tượng hạt (có thể sử dụng các dòng BV10, BV33, BV75, BV16) và Keo lai nuôi cấy mô (có thể sử dụng giống xuất xứ từ Úc, có ký hiệu là Seedlot 20133).
1. Tiêu chuẩn cây giống:
– Cây giống đem trồng phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định hiện hành. Cây sinh trưởng tốt, thân thẳng, không bị sâu bệnh, lá xanh tốt, không cụt ngọn, vỡ bầu, gẫy gập, kích thước bầu 9x12cm, trước khi xuất vườn 1-2 tuần phải được cắt bớt lá, đảo bầu, xén rễ, ngừng tưới nước, tưới phân.
– Giống Keo lai giâm hom và giống Keo lai nuôi cấy mô có đường kính cổ rễ từ 3-4mm, chiều cao cây từ 25-30 cm, tuổi cây từ 3-5 tháng tuổi.
– Giống Keo tai tượng hạt có đường kính cổ rễ từ 4-6mm, chiều cao cây từ 25-30 cm, tuổi cây từ 4-6 tháng tuổi.
2. Thời vụ:
– Vụ Xuân hè: Trồng vào tháng 4 đến tháng 5 Dương lịch.
– Vụ Hè thu: Trồng vào tháng 8 đến tháng 9 Dương lịch.
3. Mật độ trồng rừng:
– Giống Keo lai giâm hom trồng mật độ 1.100 cây/ha (cây cách cây 3x3m) hoặc 1.660 cây/ha (cây cách cây 2x3m).
– Giống Keo lai nuôi cây mô trồng mật độ 1.100 cây/ha (cây cách cây 3x3m).
– Giống Keo tai tượng hạt trồng mật độ 1.660 cây/ha (cây cách cây 2x3m) hoặc 2.000 cây/ha (cây cách cây 2×2,5m).
4. Xử lý thực bì, cuốc hố:
– Phát toàn diện, dọn sống xếp ngang theo đường đồng mức.
– Cuốc hố với kích thước 40x40x40cm, bố trí hình nanh sấu, khi cuốc lớp đất mặt để riêng, lớp đất tầng dưới để riêng. Sau khi cuốc hố 5-10 ngày tiến hành lấp hố, mỗi hố bón lót 1 kg phân chuồng + 0,2 kg NPK hoặc chỉ bón 0,4 kg NPK, thời gian lấp hố trước khi trồng cây từ 15-20 ngày.
Lưu ý: Trộn đều phân với lớp đất mặt cho vào hố rồi dùng lớp đất dưới lấp lên trên.
5. Trồng cây:
Chọn ngày râm mát, có mây hoặc có mưa nhỏ, đất trong hố đủ ẩm, nhiệt độ từ 18-300C để trồng. Dùng cuốc đào giữa hố 1 lỗ có độ sâu bằng chiều cao thân bầu, rạch bỏ túi bầu, đặt bầu cây ngay ngắn ở chính giữa hố, giữ cho cây thẳng đứng. Sau đó thực hiện quy trình “3 lấp, 2 dẵm, 1 nhấc cây”, cụ thể: Dùng đất ẩm lấp khoảng 1/3 bộ rễ cây, khẽ nhấc cây lên một chút; dẵm chặt; lấp đất đến miệng hố và dẵm chặt; cuối cùng lấp tiếp một lớp đất tơi xốp cao hơn mặt bầu 2-3 cm, tạo thành hình mâm xôi cho dễ thoát nước, sau đó dùng cỏ rác ủ gốc giữ ẩm cho cây.
Sau trồng 15 -30 ngày, kiểm tra toàn bộ rừng trồng, nếu cây bị chết phải tiến hành trồng dặm, không để rừng trồng có khoảng trống từ 27m2 trở lên.
6. Chăm sóc rừng trồng:
Thực hiện chăm sóc rừng trồng tối thiểu trong 3 năm liền. Hàng năm, tùy vào điều kiện thực bì, đất đai, thời tiết để bố trí số lần chăm sóc từ 2 – 3 lần/năm, có thể thực hiện nông – lâm kết hợp khi có điều kiện thuận lợi.
6.1. Năm thứ nhất:
– Trồng vụ Xuân – hè chăm sóc 2 lần/năm.
+ Lần 1 vào tháng 7-8, phát dọn, dãy cỏ xung quanh gốc, xới đất, vun mầu vào gốc có đường kính 0,8 m, cao khoảng 5cm. + Lần 2 vào tháng 10-11, phát cỏ, cắt gỡ dây leo, cây bụi lấn át cây trồng, chú ý kiểm tra sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.
– Trồng vụ Thu chăm sóc 1 lần/năm vào tháng 10-11, nội dung tiến hành như lần 1 của vụ Xuân hè.
6.2. Năm thứ hai (chăm sóc 3 lần/năm):
– Lần 1 vào tháng 3-4, chăm sóc như lần 1 năm thứ nhất, kết hợp bón thúc với lượng 0,2 kg phân NPK hoặc 0,5 kg phân hữu cơ vi sinh trên 1 gốc bằng cách rạch bón xung quanh cách gốc 10-15cm và lấp kín phân.
– Lần 2 vào tháng 7-8, phát thực bì toàn diện, gỡ bỏ dây leo lấn át cây trồng, tỉa cành cho cây.
– Lần 3 vào tháng 10-11, phát thực bì quanh gốc, đường kính rộng 1m.
6.3. Năm thứ ba (chăm sóc 2 lần/năm):
– Lần 1 vào tháng 3-4, phát thực bì toàn diện, dãy cỏ quanh gốc rộng 1m, thực hiện bón thúc như bón lần 1 trong năm thứ hai.
– Lần 2 vào tháng 7-8, thực hiện phát thực bì toàn diện, dãy cỏ xung quanh gốc kết hợp tỉa cành, tỉa thân.
6.4. Năm thứ tư: Tùy theo điều kiện cụ thể có thể thực hiện chăm sóc như: Xới đất, bón phân 1 lần vào đầu mùa sinh trưởng (tháng 3-4), loại phân, liều lượng có thể áp dụng như các lần bón thúc trước đây.
6.5. Nuôi dưỡng rừng:
– Tỉa cành, tỉa thân: Từ năm thứ 2 trở đi, thực hiện tỉa cành, tỉa thân trước mùa sinh trưởng hàng năm để nâng cao chất lượng gỗ.
– Tỉa thưa: Chọn những cây sinh trưởng kém, bị sâu bệnh hại, bị chèn ép, cụt ngọn, không có triển vọng cung cấp gỗ tốt để tỉa thưa. Khi tỉa thưa, chặt cây sát gốc, hướng cây đổ không ảnh hưởng đến cây giữ lại, không chặt 2 cây liền nhau. Sau đó, thu gom cành, ngọn, cắt nhỏ và rải theo băng giữa 2 hàng cây.
– Số lần tỉa thưa, thời gian và mật độ để lại sau tỉa thưa:
+ Nếu chu kỳ kinh doanh là 7- 8 năm, tiến hành tỉa thưa lần 1 vào năm thứ 3 hoặc thứ 4, mật độ để lại từ 1.000-1.200 cây/ha (không tiến hành tỉa thưa nếu trồng Keo lai giâm hom ở mật độ trồng 1.100 cây/ha).
+ Nếu chu kỳ kinh doanh là 10-12 năm, tiến hành tỉa thưa lần 2 vào năm thứ 5 hoặc thứ 6, mật độ để lại từ 700-800 cây/ha.
7. Bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh:
7.1. Bảo vệ:
– Không cho gia súc vào khu vực trồng rừng, nơi có điều kiện thì làm hàng rào hoặc đào hào bảo vệ rừng trồng.
– Tuân thủ các quy định, hướng dẫn cách phòng cháy, chữa cháy rừng của cơ quan chuyên môn.
7.2. Phòng trừ sâu bệnh:
– Sâu hại: Gồm các loài sâu hại chính như sâu vạch xám, sâu nâu, sâu kèn nhỏ gây hại. Khi cần thiết có thể dùng một số loại thuốc như: Sumithion 50EC, Ofatox, KARATE 2,5EC, Trebon… để phòng trừ.
– Bệnh hại: Gồm một số bệnh hại chính như: Bệnh phấn trắng, bệnh phấn hồng, bệnh rộp lá. Để phòng trừ các bệnh hại chính phải lựa chọn giống tốt có chất lượng, sạch bệnh, có xuất xứ… để đưa vào trồng rừng. Khi phát hiện bệnh hại với tỷ lệ bị bệnh còn ít, sử dụng thuốc Bordeaux nồng độ 1% phun hoặc quét lên các vết bị bệnh (Bệnh phấn hồng). Nếu tỷ lệ thiệt hại lớn, tiến hành chặt bỏ những cây bị chết hoặc nhiễm bệnh nặng để tránh lan sang các cây khác.
– Côn trùng: Mối và dế là những loài côn trùng thường gây hại nhiều cho các loại Keo, khi phát hiện thấy có mối, dế trong rừng trồng thì phải tiến hành phá vỡ tổ mối hoặc rắc thuốc Thiodan 35%, Furadan, Chlodan… hoặc có thể làm bả độc để bẫy.
Lưu ý: Khi phát hiện có sâu bệnh cần phải có biện pháp phòng trừ kịp thời đề phòng dịch lây lan. Nếu điều tra thấy mật độ cao, mức độ hại nặng có thể dùng thuốc phun và báo ngay cho cơ quan chuyên môn để xử lý kịp thời.
Biên soạn: Bùi Thị Thanh Tình
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!