Những đoạn văn ngắn độc đáo của nhà văn Nobel – Orhan Pamuk – Hội Nhà Văn Việt Nam

Vanvn- Ở những tác giả lớn về văn xuôi, ta thường gặp không ít những trang viết thấm đượm một chất thơ thật tinh tế, ám ảnh. Orhan Pamuk (1952) có lẽ là một tác giả như thế. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi tiếng: Tuyết, Tên tôi là Đỏ, Istanbul, Pháo đài Trắng, Cuốn sách đêm… và là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên được nhận Giải thưởng Nobel Văn học năm 2006. Orhan Pamuk từng viết một số thơ trong bước đầu cầm bút. Nhưng rồi ông chuyển hẳn sang văn xuôi. Ông thú nhận hóm hỉnh: “Tôi có thử làm thơ, nhưng sau một thời gian tôi nhận thấy Thượng đế không đoái hoài đến tôi…”. Song có lẽ trong văn xuôi nghệ thuật của mình, Orhan Pamuk đã được Thượng đế ban tặng cho một chất thơ thật say đắm và quyến rũ, những gì mà tuổi trẻ nhà văn đã từng theo đuổi.

Vanvn.vn xin giới thiệu một số đoạn văn ngắn ngắn độc đáo của nhà văn Orhan Pamuk do dịch giả Lâm Vũ Thao chuyển ngữ.

Nhà văn Orhan Pamuk của Thổ Nhĩ Kỳ – Nobel Văn học năm 2006.

Ra khỏi giường, trong im lặng của đêm

Trên bàn có một con cá nhỏ xấu xí. Miệng nó ngoác, nó cau có, và mắt nó trợn lên vì đau. Đó là một cái gạt tàn nhỏ hình con cá. Bạn vẩy tàn thuốc vào cái miệng to đùng của con cá. Có thể con cá rùng mình bởi vì điếu thuốc đó vùi trong miệng nó quá đột ngột. Giống như là – phù! – tàn thuốc rơi vào miệng con cá, nhưng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với người hút thuốc, không một lần nào trong đời anh ta. Ai đó đã làm ra cái gạt tàn sứ hình con cá, và con cá tội nghiệp ấy sẽ bị thuốc lá đốt suốt hàng năm trời, miệng nó ngoác đủ to đến nỗi nó không chỉ nuốt tàn thuốc bẩn; miệng nó đủ to để đớp cả đầu lọc thuốc, diêm, và mọi thứ dơ bẩn.

Ngay bây giờ con cá nằm trên bàn, nhưng cách đây một khắc thì chẳng có ai trong phòng. Khi bước vào, tôi thấy cái miệng con cá và tôi có thể thấy rằng cái sinh vật gạt tàn thuốc kia đã đau đớn nằm đó chờ đợi hàng giờ trong im lặng của đêm. Tôi không hút thuốc nên tôi không sờ tới nó, nhưng ngay cả bây giờ, khi tôi đang chân trần lặng lẽ đi lại trong căn hộ tối, tôi biết rằng, chẳng mấy chốc tôi sẽ quên tất cả về con cá tội nghiệp này.

Trên tấm thảm là một chiếc xe ba bánh của trẻ con; bánh và ghế ngồi màu xanh dương, cái giỏ và cái chắn bùn trước màu đỏ. Dĩ nhiên, cái chắn bùn chỉ có tác dụng trang trí: Cái xe ba bánh này được làm để trẻ nhỏ chạy chầm chậm trong nhà hay ban công và những bề mặt không có bùn khác. Tuy nhiên cái chắn bùn này vẫn mang đến vẻ trọn vẹn và hoàn hảo cho chiếc xe. Như thể là nó che đậy những chỗ chưa hoàn hảo của chiếc xe đạp ba bánh, làm cho nó lớn lên và trưởng thành hơn; bằng cách mang nó đến gần với ý tưởng về một chiếc xe đạp người lớn, cái chắn bùn làm cho nó nghiêm túc hơn. Nhưng khi nhìn cái xe ba bánh kỹ hơn, trong sự yên lặng này không có gì chuyển động, ngay lập tức tôi thấy điều ràng buộc tôi với cái xe ba bánh và tạo ra mối quan hệ giữa tôi với nó là, như mọi xe đạp và xe ba bánh khác, nó có ghi đông. Tôi có thể nhìn nhận cái xe ba bánh như thể nó là một sinh thể, một tạo vật sống là vì nó có cái ghi đông. Ghi đông là cái đầu của cái xe ba bánh, cái trán, cái sừng của nó. Để tìm thấy con người trong cái xe ba bánh, tôi làm những việc như tôi làm với con người: Đầu tiên tôi xem xét gương mặt, hay cái ghi đông. Cái xe ba bánh nhỏ lười biếng này, như mọi cái xe ba bánh không vui khác, cúi đầu, cái ghi đông không nhìn về phía trước mà nhìn nghiêng. Như với mọi sinh vật buồn, hy vọng của nó là có giới hạn. Nhưng có vẻ như ít nhất là nó thoải mái với bản thân bên trong lớp vỏ bằng nhựa, và điều đó giúp nó xua đi đau khổ.

Tôi bước vào nhà bếp tối om trong im lặng. Bên trong tủ lạnh sáng và đông đúc như đại lộ của một thành phố hạnh phúc nơi xa xôi.

Tôi lấy một chai bia ra. Ngồi xuống bên bàn ăn, tôi trang trọng uống nó. Ở đó, trong yên lặng của đêm, một cái cối xay tiêu bằng nhựa trong suốt ngắm nhìn tôi.

Khi đồ đạc nói chuyện, làm sao bạn ngủ?

Có những đêm, khi ra khỏi giường, tôi không hiểu sao lớp vải sơn lót sàn lại như thế này. Từng ô vuông đều có những đường kẻ này trên đó. Sao lại thế? Và không ô vuông nào giống một ô vuông khác.

Rồi sau đó, đường ống máy sưởi cũng vậy. Có vẻ như nó tự cho phép mình ngọ ngoậy, như thể muốn nói, tôi chán. Tôi muốn trở thành máy sưởi một lúc, nhưng không muốn thành đường ống.

Cái đèn trông cũng lạ như vậy. Nếu không thấy bóng đèn, bạn có thể tưởng tượng rằng ánh sáng đang phát ra từ cái thân bằng kẽm của nó và cái chụp đèn bằng vải xa tanh. Bạn biết đấy, như cái cách ánh sáng có thể phát xạ từ gương mặt một con người – đại loại vậy. Tôi biết điều này đôi khi cũng xảy ra với bạn: Cho nên, ví dụ, nếu có một cái bóng đèn cháy trong hộp sọ tôi, đâu đó sâu bên trong, giữa mắt và miệng tôi, ánh sáng đó sẽ chiếu qua các lỗ chân lông của tôi đẹp như thế nào – bạn cũng có khả năng nghe được như vậy mà. Ánh sáng đặc biệt tỏa ra từ má và trán chúng ta khi mất điện.

Nhưng chẳng bao giờ bạn thừa nhận đã nghĩ những điều như vậy.

Cả tôi cũng không. Tôi không kể với ai.

Rằng những vỏ chai rỗng bỏ trước cửa nhà chẳng thuộc về thế giới mà cũng chẳng thuộc về nhau. Rằng những cánh cửa, trong bất cứ trường hợp nào, không bao giờ hoàn toàn đóng hay mở và đo đó còn chỗ để hy vọng.

Rằng suốt đêm dài, đến tận sáng, cái hình dáng con sên của lớp phủ ghế bành cứ thì thào, “Chúng tớ loay xoay mà chẳng ai để ý”.

Rằng đâu đó cạnh bên, dưới chân tôi khoảng tám xăng ti mét hay trên trần nhà, những côn trùng lạ đang từ từ gặm nhấm xuyên qua sắt và bê tông, như mối.

Rằng những cây kéo trên bàn đột nhiên nổi đậy khởi đầu một cuộc đâm chém mà từ lâu đã được mong đợi và mơ ước, tấn công tất cả những gì trước mặt, nhưng màn kịch đẫm máu này chỉ kéo dài không quá mười lăm phút.

Rằng cái điện thoại đang nói chuyện với một cái điện thoại khác, đó là nguyên do tại sao nó trở nên im lặng.

Tôi không kể những chuyện này với bất kỳ ai. Có một thời tôi ưu phiền, thậm chí sợ sệt, về việc không chia sẻ được những hình ảnh hiện thực phì đại này với ai; không ai nói về những chuyện như vậy, nên có thể tôi là người duy nhất thấy chúng. Ý thức trách nhiệm của người chứng kiến còn hơn là gánh nặng. Nó khiến người ta đặt câu hỏi tại sao bí mật lớn lao này của đời sống chỉ được tiết lộ với người ấy? Tại sao cái gạt tàn kia chỉ kể mình tôi nghe nỗi buồn và thua thiệt của nó? Tại sao tôi là người được cái chốt cửa xưng tội khi nó đau khổ? Tại sao tôi là người đuy nhất nghĩ rằng bằng cách mở cửa tủ lạnh tôi sẽ bước vào một thế giới y hệt như thế giới tôi đã biết đến cách đây hai mươi năm? Tại sao chỉ mình tôi lắng nghe những con chim hải âu bên cạnh cái đồng hồ kia và những sinh vật nhỏ bé rúc rích ở chân các bức tường?

Bạn đã bao giờ nhìn viền tấm thảm? Hay những dấu hiệu ẩn trong hoa văn của nó?

Khi thế giới lóng lánh với quá nhiều dấu hiệu và điều kỳ lạ, làm sao ai có thể ngủ? Tôi cố gắng tĩnh tại bằng cách tự nhủ rằng người ta không thể quá lơ là những dấu hiệu này. Một chút nữa thôi, khi ngủ, tôi cũng trở thành một phần của câu chuyện.

Hải âu trong mưa

Về con chim hải âu đậu trên mái nhà đối diện bàn viết của tôi

Con chim hải âu đậu trên mái nhà, trong mưa, như thể không có chuyện gì xảy ra. Như thể trời chẳng hề mưa; nó chỉ đậu trên ấy, tĩnh tại như mọi khi. Hoặc giả nó là một triết gia vĩ đại, quá vĩ đại nên chẳng bận tâm. Nó đứng đó. Trên mái nhà. Trong mưa. Như thể nó đứng đó trầm tư, rằng tôi biết, tôi biết, trời đang mưa; nhưng tôi chẳng thể thay đổi được việc đó. Hoặc: Ừ, thì trời mưa, nhưng việc đó có gì quan trọng? Hoặc có thể như thế này: Đến giờ tôi đã quen với mưa rồi; mưa hay không chẳng khác nhau gì mấy.

Tôi không định nói rằng chúng rất can đảm, những chú hải âu này. Tôi ngắm chúng qua ô cửa sổ, tôi ngắm chúng những khi tôi đang cố viết lách, những khi tôi dạo lên dạo xuống trong phòng; ngay cả hải âu cũng lo sợ về những thứ vượt quá cuộc đời riêng của chúng.

Một con có chim con. Hai quả bóng xám nhỏ bằng len sạch tươm, chỉ hơi hứng chí và ngốc nghếch. Chúng mạo hiểm băng qua những mái ngói đã từng màu đỏ giờ trắng xóa vì vôi trong chất thải của chính chúng và mẹ chúng, ngoảnh qua ngoảnh lại, và chúng sẽ dừng lại đâu đó để nghỉ ngơi. Dù vậy, bạn không thể thực sự gọi đó là nghỉ ngơi, chúng chỉ dừng lại. Chúng hiện hữu, không có gì hơn. Hải âu, như hầu hết con người và hầu hết sinh vật khác, tiêu phí thời gian vào việc không làm gì cả, chỉ đứng đó. Bạn có thể gọi đó là một hình thức của đợi chờ. Đứng trong thế giới này đợi chờ: bữa ăn kế tiếp, cái chết, giấc ngủ. Tôi không biết chúng chết như thế nào.

Những con chim non cũng không biết cách đứng thẳng. Một cơn gió thổi xù lông chúng lên, thổi xù toàn thân chúng. Rồi chúng dừng lại; chúng lại dừng. Phía sau chúng thành phố không thôi chuyển động; phía dưới chúng tàu, xe, cây cối thảy đều run run.

Con chim mẹ đầy âu lo mà tôi đang nói tới, đôi khi nó tìm được thức gì từ đâu đấy mang về cho các chú chim con. Lúc đó có xáo động thực sự: một sự bùng vỡ của hoạt động, sự chuyên chú xen lẫn hoảng sợ. Những bộ phận giống như mì ống của con cá chết – kéo, kéo, hãy thử xem có kéo nó ra được không – được chia chác và đánh chén. Sau bữa ăn, tĩnh lặng. Các chú hải âu đứng trên mái nhà và chẳng làm gì. Cùng nhau chúng tôi chờ đợi. Trên trời là những đám mây chì.

Nhưng vẫn có gì đó thoát khỏi sự chú ý của tôi. Cái gì đó vụt đến với tôi khi tôi dạo bước trước ô cửa sổ: Cuộc sống của hải âu không hề đơn giản. Bao nhiêu là hải âu! Hải âu báo trước cái ác, đậu trên mọi mái nhà, lặng yên suy tuởng về điều gì đó mà tôi chẳng hề hay biết. Những ý nghĩ nguy hiểm, tôi cho là thế.

Làm thế nào mà tôi hiểu được điều này? Có lần, tôi để ý thấy chúng đều chăm chú nhìn vào ánh sáng vàng của buổi bình minh, cái ánh sáng vàng yếu ớt ấy. Đầu tiên một luồng gió thổi đến, và rồi một cơn mưa màu vàng. Trong lúc cơn mưa vàng đó thong thả rơi, cả đám hải âu quay lưng lại với tôi, và khi chúng chao chát với nhau tôi biết rõ chúng đang đợi chờ gì đó. Bên dưới, trong thành phố, người người vội vã tìm chỗ trú trong nhà và trong xe; bên trên, đám hải âu đợi chờ, đứng thẳng và yên lặng. Lúc đó tôi nghĩ rằng tôi hiểu chúng.

Đôi khi đám hải âu cùng nhau tung cánh bay chầm chậm vào không trung. Khi chúng bay, tiếng vỗ cánh nghe như tiếng mưa rơi.

Một con hải âu nằm hấp hối trên bờ biển

Đây là một con hải âu khác

Một con hải âu nằm hấp hối bên bờ biển. Một mình. Mỏ nó gác trên đám sỏi. Mắt nó buốn bã, yếu ớt. Sóng vỗ vào những mỏm đá cạnh bên. Gió thổi xù đám lông trông như đã chết. Rồi ánh mắt con hải âu bắt đầu dõi theo tôi. Khi đó là sáng sớm; gió lạnh. Trên cao, cuộc sống tiếp diễn; trên trời có những con hải âu khác. Con hải âu đang hấp hối là một con chim non.

Nhìn thấy tôi, con hải âu đột nhiên cố gượng dậy. Đôi chân nó run rẩy vô vọng. Úc nó chồm về phía trước, nhưng nó không thể nhấc mỏ khỏi mấy viên sỏi. Trong khi vật vã, một ý nghĩa thành hình trong mắt nó. Ngay khi ấy, nó lại ngã xuống đám sỏi, nằm sóng soài chờ chết. Ý nghĩa trong mắt nó mất đi giữa những đám mây và con sóng. Bây giờ không còn nghi ngờ gì nữa. Con hải âu hấp hối.

Tôi không biết tại sao nó chết. Lông nó bạc thếch và rối tung. Suốt cả mùa này, lúc nào cũng thế, tôi đã nhìn ngắm rất nhiều hải âu non lớn lên, cố gắng học bay. Hôm qua, sau hai lần lướt sóng và gió, một con đã cất cánh lên không với niềm vui dạt dào, với những đường vòng cung can đảm, sắc nét mà hải âu vẽ ngang trời khi lần đầu làm chủ được cách bay. Con chim non này, sau đó tôi để ý, có một bên cánh gãy. Dường như thể không chỉ cánh mà toàn thân nó gãy vỡ.

Thật khó mà chịu được khi phải chết trong sự mát mẻ của một sáng mùa hè khi những con hải âu khác ca hát trên đồi hân hoan và giận dữ. Nhưng như thể là chú hải âu không chết chừng nào còn được cứu vớt khỏi cuộc đời. Có lẽ có những thứ nó cảm thấy, có những thứ nó muốn, nhưng nó được rất ít, hoặc không có gì. Một con chim hải âu có thể nghĩ gì, có thể cảm thấy gì? Quanh mắt nó là một nỗi ưu phiền gợi nhắc đến một ông già sắp chết. Chết nghĩa là nằm dưới một lớp khăn trải giường nào đó, hoặc có vẻ như thế. Cứ mặc thế, cứ mặc thế để rồi tôi có thể đi, dường như nó nói thế.

Ngay cả khi này, tôi vui mừng khi thấy tôi gần gũi với nó hơn là những con hải âu trơ trẽn lượn vòng trên đầu chúng ta. Tôi đi đến bên bờ biển cô đơn này để xuống biển, tôi đang vội, quẩn quanh với những ý nghĩ, và cầm khăn tắm trên tay. Vậy mà bây giờ tôi lại đứng lại nhìn con hải âu này. Im lặng và kính trọng. Trong những hòn sỏi dưới đôi chân trần của tôi là cả một thế giới. Không phải đôi cánh gãy mà là cặp mắt con hải âu làm tôi cảm thấy cái chết của nó.

Ngày xửa ngày xưa, nó từng nhìn thấy bao điều, để ý bao điều; bạn biết điều này. Chỉ qua một mùa nó đã mỏi mệt như một người già, và có lẽ nó hối tiếc vì mệt mỏi đến mức này. Chầm chậm nó gác mọi thứ lại sau lưng. Tôi không chắc lắm, nhưng có thể vì con hải âu này mà những con hải âu khác trên trời quang quác. Có lẽ âm thanh của biển làm cho cái chết dễ dàng hơn.

Sau đó, lâu sau đó, sáu tiếng đồng hồ sau, khi tôi quay lại bãi sỏi, con hải âu đã chết. Nó xòe một bên cánh ra như thể muốn bay, và nằm nghiêng, một mắt mở to hết mức để nhìn chằm chằm vào mặt trời. Không có con hải âu nào khác bay gần ngọn đồi ấy.

Tôi chạy xuống biển mát lạnh như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.

ORHAN PAMUK

LÂM VŨ THAO dịch