Mối tình tri kỷ ở viện dưỡng lão
6 năm trước, khi đó bà Nguyễn Thị Liệu (nhà ở Cầu Giấy, Hà Nội) tròn 70 tuổi. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, cô con gái duy nhất lại sinh sống ở nước ngoài nên bà Liệu quyết định vào viện dưỡng lão để người thân yên tâm công tác.
“Trước khi vào viện dưỡng lão, tôi sống ở nhà một mình, sức khỏe yếu nên tôi hay ốm đau, chân cẳng đau đi lại khó khăn. Con gái thì ở xa, 2 em gái cũng già yếu nên không thể thường xuyên sang thăm chị.
Lo lắng cho sức khỏe của tôi nên các em khuyên tôi vào viện dưỡng lão để có người chăm sóc.
Không muốn người thân phải lo lắng, vất vả vì mình nên tôi quyết định vào viện dưỡng lão ở.
Cùng các em đi thăm quan vài trung tâm, nhưng khi đến Trung tâm chăm sóc Người cao tuổi Bách Niên Thiên Đức tôi thấy khá ưng ý với không gian sống và chất lượng phục vụ của trung tâm.
Thấy thích là tôi đăng ký ở luôn và về thu xếp “chuyển nhà” vào viện dưỡng lão chỉ trong vài ngày. Đến nay tôi đã sống được 6 năm trong ngôi nhà thứ 2 này rồi” – bà Liệu tâm sự.
Ban đầu vào viện dưỡng lão ở, bà Liệu thấy cô đơn, trống trải vì xa nhà, chưa hòa nhập với môi trường mới. Nhưng rồi để nhanh thích nghi, bà tham gia các hoạt động vui chơi tập thể với các bạn già.
Lúc đầu chỉ là ngồi chơi ngoài sân, nói chuyện phiếm cùng nhau. Sau đó mọi người rủ nhau chơi tam cúc cho vui. Ngày 2 lần chơi tam cúc khiến mọi người thân quen nhau hơn.
Cũng nhờ vậy mà bà Liệu quen với cụ ông Bùi Thế Năng (ông hơn bà 10 tuổi). Ông Năng bị bệnh tiền liệt tuyến, chân yếu đi lại khó khăn nên phải ngồi xe lăn. Vì thương và không muốn 2 cô con gái vất vả nên ông chủ động đề nghị vào viện dưỡng lão.
Ông Năng là một người hóm hỉnh, thích đùa và rất dễ gần. Chẳng thế mà trong cùng một nhóm người cùng chơi bà Liệu lại nhanh thân quen với ông nhất.
“Khi đã thân với nhau hơn, ông Năng kể với tôi về cuộc sống của mình, kể về người vợ quá cố và các con của ông. Nghe xong tôi thấy thương ông, thông cảm với hoàn cảnh của ông” – cụ bà 76 tuổi nhớ về người bạn quá cố của mình.
Không chỉ tâm sự về hoàn cảnh của nhau, 2 cụ còn tìm thấy ở nhau nhiều sở thích chung, hiểu nhau và trở thành tri kỷ của nhau lúc nào không hay.
Dù gặp nhau ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng đôi bạn tâm giao ấy đã tìm thấy niềm vui trong ngôi nhà chung của mình.
Nhìn về góc sân, nơi 2 người thường hay ngồi tâm sự bà Liệu nhớ lại: “Lúc đó ông Năng ở bên khu B, còn tôi ở khu A. Vì ông đi lại khó khăn nên tôi thường sang khu B thăm ông, dìu ông đi ra sân chơi. Sau này, ông ngồi xe lăn thì tôi đẩy ông ra ngoài bằng xe lăn.
Chúng tôi đi dạo cùng nhau quanh khuôn viên viện dưỡng lão, trò chuyện với nhau, đôi lúc vui vui lại bắt taxi lên khu phố nhà tôi ăn các món ăn mà cả 2 cùng thích. Tối nhớ chúng tôi đều thích ăn miến ngan, chân ngan rút xương chấm với nước mắm pha ngon, bánh tôm…”.
Thách cưới ‘voi 9 ngà, gà 9 cựa’
Quen nhau 4 năm cũng là chừng ấy thời gian bà Liệu và ông Năng quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Nhìn 2 cụ già yêu thương, chăm sóc nhau khi cùng sống trong viện dưỡng lão làm không ít người phải trầm trồ khen ngợi.
“Có lần 2 chúng tôi bắt taxi ra ngoài ăn, nhìn cách mà chúng tôi chăm sóc lẫn nhau, quan tâm nhau, anh lái xe còn bảo: “Cháu thấy ông bà tình cảm thật đó, tình cảm hơn nhiều đôi trẻ. Cháu nhìn cháu ngưỡng mộ lắm. Cháu mong được một phần như ông bà”. Được khen chúng tôi vui và hạnh phúc lắm” – bà Liệu vui vẻ nói.
Nhiều nhân viên trong viện dưỡng lão nơi 2 cụ sinh sống nhìn thấy cảnh cụ bà chuẩn bị nước cam, bữa ăn phụ để 2 người ăn thêm, còn cụ ông thì nói những câu vui đùa, tếu táo để vui lòng “mỹ nhân” thì không ít người phải cảm thán “nhìn cảnh đó rất hạnh phúc”.
Vì nhiều lần chứng kiến cảnh hạnh phúc của 2 ông bà, thấy 2 ông bà rất đẹp đôi nên có lần, một nhân viên của trung tâm, người thân thiết với cả 2 ông bà liền “đẩy thuyền”: “Bà thách cưới gì để con thay ông chuẩn bị?”. Trong lúc vui vẻ bà Liệu cũng tếu lại rằng: “Thách voi 9 ngà, gà 9 cựa, ngựa 9 hồng mao…”.
“Mọi người hay vui đùa, gán ghép chúng tôi. Cứ thấy chúng tôi ngồi chung với nhau là mọi người lại trêu, lại chụp ảnh chúng tôi. Đó là quãng thời gian tươi đẹp, hạnh phúc” – cụ bà nhớ lại.
Thông thường, khi nói đến tình già, các cụ hay gặp phải sự phản đối của người thân, nhưng với bà Liệu và ông Năng thì ngược lại. Họ nhận được sự ủng hộ tích cực từ người thân của mình.
Trong các cuộc điện thoại với các em gái, con gái và cháu ngoại, bà Liệu thường hay nhắc tới ông Năng, người bạn tri kỷ của mình tại viện dưỡng lão. Biết được bà tìm được người bạn thân thiết tại ngôi nhà thứ 2 của mình, người thân của bà Liệu đều vui mừng và tỏ ra rất quý ông.
Bà Liệu kể: “Cháu ngoại tôi khi biết tôi có một người bạn thân thiết cháu rất vui. “Con chưa được gặp ông nhưng con thấy bà kể về ông con quý ông lắm”. Tôi gửi ảnh của ông Năng cho cháu ngoại. Cháu tôi nhìn ảnh của ông nó bảo: “Nhìn cứ nghĩ ông hơn 60 tuổi chứ không phải 80 tuổi”.
Còn 2 cô con gái của ông Năng, họ không những không phản đối mối quan hệ của ông bà mà trái lại, họ quý mến và coi bà Liệu như mẹ của mình.
Hiện tại, dù ông Năng đã không còn, nhưng con gái ông vẫn coi bà Liệu như mẹ và thay nhau vào thăm bà.
“Mỗi lần vào thăm tôi, con gái của ông thường xách khệ nệ quà nọ quà kia. Thấy các chị cũng có tuổi rồi, có người thì bận trông cháu, người thì bận công việc nên tôi bảo gọi điện hỏi thăm là được. Khuyên nhiều lần nhưng các chị vẫn một mực vào thăm tôi khi rảnh rỗi” – bà Liệu nói.
Tình già vui vẻ, hạnh phúc đó, nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi những lúc giận hờn, xa cách.
Năm 2016, bà Liệu sang Tiệp Khắc thăm con gái. Khi đó con gái bà cũng có ý định làm thủ tục cho bà định cư ở nước ngoài cùng con cháu nhưng bà Liệu dự định chỉ ở chơi 3 tháng rồi về.
Bà Liệu đi chơi để ông Năng ở nhà một mình làm ông sinh ra hờn dỗi, bỏ ăn, bỏ uống, ốm liểng xiểng, không chịu truyền thuốc, không đi lại được.
Các con của ông đến thăm khuyên nhủ mãi mà ông không nghe. Không còn cách nào khác, con gái ông Năng phải gọi điện ra nước ngoài cầu cứu bà Liệu.
“Nhận điện thoại báo ông ốm tôi rất lo lắng. Ngay lập tức tôi phải gọi điện khuyên nhủ ông và hứa sẽ về sớm với ông. Khi đó kế hoạch của tôi là đi chơi 3 tháng, nhưng được 2 tháng thì nhận điện thoại báo ông ốm mệt nên tôi về nước trước thời hạn. Nhưng lúc về đến viện dưỡng lão thì trông thấy ông đi phăm phăm ra cổng đón. Các cháu còn đùa, nghe tin bà về là ông khỏe ngay” – Bà Nguyễn Thị Liệu tâm sự.
Đến tuổi gần đất xa trời mà vẫn gặp được hiểu mình, quan tâm, chăm sóc, coi nhau là tri âm tri kỷ, đối với bà Liệu và ông Năng như vậy đã là vui vẻ, hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi.
Chính vì vui vẻ và hạnh phúc khi ở viện dưỡng lão nên đến nay, dù ông Năng đã không còn, con gái thì nhiều lần muốn mẹ sang nước ngoài sinh sống nhưng bà Liệu vẫn quyết ở lại viện dưỡng lão. Ở lại ngôi nhà thứ 2, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của 2 người và bà ở lại cũng là muốn lưu giữ những kỷ vật mà ông để lại cho mình.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!