Cách đây 105 năm về trước, một sự kiện làm rung chuyển toàn nhân loại – Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Bôn-sê-vích Nga do V.I. Lênin đứng đầu, quần chúng Nhân dân lao động, binh lính và thợ thuyền nước Nga đã nhất tề vùng lên lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, bè lũ men-sê-vích và bọn giả danh “xã hội cách mạng”, thành lập chính quyền Xô viết công-nông-binh, mở ra một kỷ nguyên mới với nước Nga và toàn thể nhân loại – kỷ nguyên quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thể giới, kỷ nguyên xóa bỏ mọi áp bức – bất công. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quần chúng Nhân dân lao động làm chủ vận mệnh của mình.
Cách mạng Tháng Mười Nga là mốc son đánh dấu sự thắng lợi lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội.
Trở lại với những năm tháng này 105 năm về trước, đầu tháng 8-1917, Ðại hội lần thứ VI Ðảng Công nhân Xã hội Dân chủ Nga (Bônsêvích) họp bán công khai ở Pêtơrôgrát, Lênin tuy không tham dự nhưng vẫn lãnh đạo Ðại hội tiến hành và thông qua đường lối khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Trong thời gian này, Lênin viết xong cuốn Nhà nước và cách mạng đề ra nhiệm vụ cho giai cấp vô sản phải giành chính quyền bằng con đường đấu tranh vũ trang.
Theo quyết định của Ủy ban Trung ương Ðảng Bônsêvích, ngày 7-10-1917, Lênin từ Phần Lan bí mật trở về Pêtơrôgrát để trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Ngày 10-10-1917, dưới sự chỉ đạo của Lênin, Hội nghị Ủy ban Trung ương Ðảng Bônsêvích đã họp và thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang do Lênin đề ra.
Ngày 12-10-1917, Xôviết Pêtơrôgrát đã cử ra Ủy ban Quân sự cách mạng để chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa vũ trang ở Thủ đô.
Ngày 16-10-1917, Ủy ban Trung ương Ðảng Bônsêvích thành lập Trung tâm quân sự cách mạng để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa trong cả nước. Các tổ chức Đảng Bônsêvích đã tích cực triển khai những công việc cần thiết trên các mặt chính trị – tư tưởng, tổ chức và kỹ thuật – quân sự để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.
Trong khi đó, Chính phủ lâm thời ráo riết thi hành những biện pháp khẩn cấp nhằm “bóp chết” cuộc khởi nghĩa vũ trang của giai cấp vô sản. Theo đó, 70 tiểu đoàn xung kích và một số trung đoàn độc lập của quân đội đã được Chính phủ lâm thời điều động từ mặt trận về bảo vệ những trung tâm lớn như Pêtơrôgrát, Mátxcơva
Ngày 24-10-1917, Chính phủ lâm thời bắt giam các ủy viên của Ủy ban Quân sự cách mạng, lục soát và đóng cửa các tờ báo của Ðảng Bônsêvích, ra lệnh chiếm điện Xmônưi… Thủ tướng Chính phủ lâm thời A. Kêrenski tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa ở Pêtơrôgrát.
Trước tình hình trở nên hết sức khẩn trương và cực kỳ nghiêm trọng, Lênin chủ trương phải tiến hành khởi nghĩa ngay. Trong ngày 24-10-1917, Lênin ba lần gửi thư tới Ủy ban Trung ương Ðảng Bônsêvích yêu cầu phải tiến hành khởi nghĩa ngay trong đêm đó.
Tối 24-10-1917 (theo lịch Nga cũ, tức tối 6-11-1917), Lênin đến Cung điện Xmônưi trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang nhằm lật đổ Chính phủ tư sản lâm thời và thiết lập chính quyền Xôviết. Ðêm 24-10-1917, khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Thủ đô Pêtơrôgrát. Quân khởi nghĩa, gồm các đơn vị Cận vệ đỏ của công nhân Pêtơrôgrát, binh sĩ cách mạng và thủy thủ Hạm đội Bantic (tất cả khoảng 200 nghìn người), dưới sự lãnh đạo của Ðảng Bônsêvích do Lênin đứng đầu, đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô, gồm các cầu qua sông Nêva, nhà ga xe lửa, trung tâm bưu điện, nhà máy điện, Ngân hàng quốc gia và các cơ quan quan trọng khác ở Thủ đô.
Rạng sáng 25-10-1917 (tức ngày 7-11-1917 theo lịch Nga cũ), trừ Cung điện Mùa Ðông và một vài nơi, các lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình ở Thủ đô Pêtơrôgrát. 10 giờ sáng, Trung tâm quân sự cách mạng của Xôviết Pêtơrôgrát công bố lời kêu gọi “Gửi các công dân nước Nga” do Lênin dự thảo, trong đó tuyên bố Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ, chính quyền đã về tay các Xôviết. Tiếp đến 21 giờ 40 phút, sau pháo lệnh của chiến hạm “Rạng đông”, quân khởi nghĩa tiến công Cung điện Mùa Ðông – nơi cố thủ cuối cùng của Chính phủ lâm thời. Tới 2 giờ 10 phút đêm – rạng sáng 26-10-1917, Cung điện Mùa Ðông bị chiếm, các bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời bị bắt giữ. Thủ tướng Chính phủ lâm thời A. Kêrenski trốn chạy ra nước ngoài.
Cũng trong ngày 25-10-1917, Ðại hội các Xôviết toàn Nga lần thứ II khai mạc. Ðại hội thông qua lời kêu gọi “Gửi công nhân, binh sĩ và nông dân” do Lênin dự thảo. Ðại hội ra quyết nghị: Các Xôviết đại biểu công nhân, binh sĩ và nông dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự cách mạng.
Tại phiên họp diễn ra đêm 26 rạng sáng 27-10-1917 (đêm 8 rạng sáng 9-11-1917 theo lịch Nga cũ), Ðại hội đã thông qua hai văn kiện đầu tiên của Chính quyền Xôviết: “Sắc lệnh hòa bình” và “Sắc lệnh ruộng đất” do Lênin dự thảo. “Sắc lệnh hòa bình” tuyên bố những nguyên tắc về chính sách đối ngoại của Chính quyền Xôviết, lên án cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là “một tội ác lớn nhất đối với nhân loại” và kêu gọi các nước tham chiến trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nhanh chóng đàm phán để ký kết một hòa ước dân chủ và công bằng. “Sắc lệnh ruộng đất” tuyên bố thủ tiêu không bồi thường ruộng đất của giai cấp địa chủ quý tộc và của các sở hữu lớn khác, quốc hữu hóa toàn bộ ruộng đất và chia ruộng đất cho nông dân. Ðại hội đã bầu ra Chính phủ Xôviết đầu tiên, được gọi là Hội đồng các Ủy viên nhân dân do Lênin đứng đầu.
Ngày 15-11-1917, Chính quyền Xôviết được thiết lập tại Mátxcơva. Ðến tháng 3-1918, Chính quyền Xôviết giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn. Cách mạng Tháng Mười Nga toàn thắng.
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đã đi vào lịch sử nhân loại như là một sự kiện vĩ đại có tiếng vang và tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm rung chuyển, đảo lộn trật tự thế giới, ấn định chiều hướng phát triển của xã hội loài người. Khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị to lớn của nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”.
Cuộc cách mạng 10 ngày đã làm rung chuyển cả thế giới, phá vỡ mắt xích yếu nhất trong sợi dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vô cùng quan trọng “mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên toàn thế giới”. Đây cũng là lần đầu tiên liên minh công nhân – nông dân – binh lính, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, đã đồng loạt đứng lên lật đổ chế độ Nga hoàng, lập ra Nhà nước Nga Xôviết – Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới…
Noi gương Cách mạng Tháng Mười, các dân tộc bị áp bức trên thế giới đã vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa để xây dựng đất nước. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thắng lợi ở một nước đã phát triển trở thành hệ thống thế giới.
Cảnh Việt
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!