Ho là một triệu chứng thường gặp và có thể gây ra nhiều khó chịu cho cả người bệnh và những người xung quanh. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp trị ho, người bệnh cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý khi bị ho để cải thiện triệu chứng, tránh ho nặng hơn. Vậy người bị ho nên ăn gì và kiêng ăn gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây.
Tổng quan về ho
Ho là một phản xạ sinh lý của cơ thể nhằm tống các dị vật lạ xâm nhập vào đường hô hấp như bụi, vi khuẩn, nấm mốc, phấn hoa, đờm, dịch nhầy,… để làm sạch đường hô hấp.
Ho là cơ chế tự nhiên quan trọng giúp bảo vệ đường hô hấp của bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cơn ho có thể là triệu chứng của một bệnh lý nào đó trong cơ thể như nhiễm khuẩn, nhiễm trùng đường hô hấp, dị ứng, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm phổi…
Tùy thuộc vào thời gian kéo dài tình trạng ho, cơn ho có thể được chia thành ho cấp tính (dưới ba tuần) hoặc ho mạn tính (trên 8 tuần ở người lớn và trên 4 tuần ở trẻ nhỏ).
Ho kéo dài thường khiến cơ thể bạn mệt mỏi, khó chịu, ăn không ngon, chán ăn. Chính vì vậy, lựa chọn một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý khi bị ho là vô cùng cần thiết để giúp bạn ăn ngon miệng hơn, góp phần tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và làm giảm triệu chứng ho, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục.
Người bị ho nên ăn gì?
Nhóm thực phẩm nên bổ sung khi bị ho
Người bị ho nên chú ý bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày của mình một số nhóm thực phẩm sau:
☛ Nhóm thực phẩm lỏng, dễ nuốt
Ho nhiều, đặc biệt là ho khan có thể khiến cổ họng bạn bị tổn thương gây đau rát họng, rát cổ, đau khi nuốt nước bọt.
Vì vậy, lúc này bạn nên ăn những món ăn lỏng, mềm, dễ nuốt. Những thực phẩm này sẽ giúp bạn ăn uống dễ dàng hơn, đồng thời tránh gây tổn thương cũng như kích thích niêm mạc cổ họng gây ho. Nhờ đó, chúng sẽ góp phần làm giảm nhanh chóng những cơn đau rát cổ họng do ho.
Bạn nên bổ sung những thực phẩm lỏng, mềm nhưng vẫn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như súp, các loại cháo loãng, nước luộc rau củ,… khi bị ho sẽ giúp cải thiện tình trạng này.
☛ Nhóm thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là một nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng ho. Do đó, khi bị ho, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm. Đây là những chất đóng vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của cơ thể, giúp tăng cường sức đề kháng, thải độc, từ đó giúp đẩy lùi các bệnh đường hô hấp do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng. Khi nguyên nhân gây ho được loại bỏ, tình trạng ho của bạn cũng sẽ được cải thiện.
Các thực phẩm giàu vitamin A, C và kẽm tốt cho người bị ho có thể kể đến như thịt lợn, thịt bò, các loại rau củ như súp lơ, rau cải, cà rốt, cà chua, cam, chanh, bưởi, dứa, kiwi, ớt chuông đỏ…
☛ Nhóm thực phẩm kháng viêm
Các loại thực phẩm giàu tính kháng khuẩn, kháng viêm cũng có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện các bệnh về hô hấp do vi khuẩn, virus gây ra, nhờ đó làm dịu triệu chứng ho do các bệnh lý này.
Một số thực phẩm có tính kháng viêm, kháng khuẩn cao bạn có thể bổ sung vào chế độ ăn của mình như mật ong, tỏi, tía tô, hành tây, gừng, hẹ,… Ngoài ra, các loại ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch, gạo lứt, hạt lanh, hạnh nhân, quả óc chó, cá hồi, cá thu, cá ngừ, dâu tây, anh đào… cũng giúp giảm viêm, giảm đau họng do ho.
Các món ăn gợi ý cho người bị ho
☛ Súp gà
Súp gà ấm có tác dụng giảm viêm ở cổ họng, tăng hoạt động của chất nhày trong mũi. Điều này giúp làm sạch đường hô hấp trên, giảm tắc nghẹt mũi, đặc biệt tốt đối với những người đang ho dai dẳng lâu ngày không khỏi.
Bên cạnh đó, để tăng thêm hiệu quả giảm ho, bạn có thể kết hợp thêm các loại rau củ, gia vị có tác dụng giảm ho khác trong súp gà như gạo lứt, hành, gừng,…
Bạn nên ăn súp gà từ một đến ba lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng ho thuyên giảm.
☛ Các món ăn từ giá đỗ
Giá đỗ sống có chứa nhiều dưỡng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, có tác dụng làm dịu cổ họng, cải thiện tình trạng viêm, sưng, ngứa ngáy, đau họng và cắt giảm cơn ho. Không chỉ vậy, giá đỗ còn rất dễ ăn bởi vị ngọt mát, thanh đạm. Do đó, những món ăn từ giá đỗ có thể sử dụng để trị các chứng ho khan, ho có đờm, ho lâu ngày không khỏi cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người cao tuổi.
Để trị ho bằng giá đỗ, bạn có thể dùng giá đỗ để ăn sống hoặc ép lấy nước uống. Ngoài ra, bạn có thể dùng thực phẩm này chế biến các món ăn đơn giản như canh giá đỗ thịt bò, giá đỗ xào thịt lợn, nấu canh chua,.. để tăng thêm hương vị và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
☛ Canh mướp đắng
Mướp đắng là loại rau củ quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày, chứa nhiều khoáng chất và các chất chống oxy hóa mạnh như vitamin C rất tốt cho sức khỏe. Trong Đông y, mướp đắng có tính lạnh, mát, vị đắng và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị ho rất tốt. Chính vì vậy, canh mướp đắng sẽ là món ăn hoàn hảo cho những người đang bị ho, đặc biệt là ho khan, ho có đờm.
Để nấu canh mướp đắng trị ho, bạn chì cần chuẩn bị 1 – 2 quả mướp đắng đã rửa sạch, bỏ ruột rồi nhồi thịt và hầm cho đến khi chín mềm. Sau đó, bạn thêm gia vị cho vừa ăn rồi dùng canh ngay khi còn nóng để đạt hiệu quả tốt nhất.
☛ Cháo thịt bò cà rốt
Thịt bò và cà rốt là những thực phẩm giàu vitamin C, vitamin A, kẽm, sắt,.. giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, tiêu đờm, giải cảm, giảm nhanh các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là tình trạng ho. Kết hợp cà rốt cùng thịt bò nấu cháo sẽ vừa giúp bạn giảm ho nhanh chóng, vừa cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Bạn dùng một nắm gạo nấu cháo, khi cháo chín thì đem thịt bò xay nhuyễn cùng cà rốt đã thái nhỏ cho vào ninh chung đến khi chín mềm sẽ được món cháo thịt bò cà rốt trị ho hiệu quả. Bạn nên ăn cháo ngay khi cháo còn ấm nóng.
☛ Trà chanh mật ong
Trị ho bằng mật ong là phương pháp nhanh và đơn giản có thể áp dụng cho mọi lứa tuổi. Mật ong chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tính kháng viêm mạnh kết hợp cùng chanh chứa nhiều vitamin C giúp tăng sức đề kháng và có tính kháng khuẩn cao sẽ giúp làm giảm cảm giác đau rát cổ họng và làm dịu những cơn ho nhanh chóng.
Cách làm trà chanh mật ong trị ho rất đơn giản. Bạn chỉ cần dùng 2 thìa cà phê mật ong nguyên chất pha với 200ml nước ấm và 1 thìa nước cốt chanh rồi sử dụng 1 – 2 lần mỗi ngày để thấy được hiệu quả.
☛ Dứa
Dứa là loại trái cây quen thuộc ở nước ta. Dứa có chứa hàm lượng lớn các acid hữu cơ và nguồn vitamin dồi dào như vitamin C, vitamin B1 rất tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, dứa còn rất giàu bromelain – một loại enzym có tác dụng giảm sưng phù, viêm đường dẫn khí, từ đó ngăn chặn sự tích tụ chất nhầy trong đường hô hấp gây ho.
Bạn có thể ăn dứa tươi hoặc thêm nước ép dứa vào chế độ ăn hàng ngày của mình để giảm tình trạng viêm đường hô hấp, giảm bớt những cơn ho và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
☛ Bạc hà
Khi người bệnh ho thường xuyên, niêm mạc họng nhanh chóng bị tổn thương. Đồng thời cổ họng còn xuất hiện rất nhiều đờm, gây ra tình trạng nghẹn họng. Với những trường hợp này, người bệnh có thể sử dụng lá bạc hà để có thể hỗ trợ làm tan đờm và thông họng hiệu quả.
☛ Giấm táo
Với hàm lượng axit tự nhiên cao, giấm táo có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh ở vòm họng, kích thích tăng sinh miễn dịch, phòng ngừa bội nhiễm. Ngoài ra, chất insulin prebiotic trong giấm táo kích thích sản sinh các tế bào bạch cầu có lợi. Do đó, việc sử dụng giấm táo không chỉ làm giảm nhanh các cơn ho mà còn tăng sức đề kháng cho người bệnh.
☛ Trà rễ cam thảo
Trong Đông y, cam thảo có tính mát, vị ngọt thanh, có tác dụng long đờm làm thông thoáng đường hô hấp, giảm kích ứng cổ họng và loại bỏ các cơn ho. Vì vậy, người ta thường sử dụng rễ cam thảo để trị các cơn ho lâu ngày không khỏi.
Một cách dùng rễ cam thảo trị ho đơn giản mà bạn có thể áp dụng là pha trà rễ cam thảo. Bạn cần chuẩn bị 1 – 5g cam thảo (khoảng 2 thìa) ngâm trong một cốc nước sôi trong vòng 15 phút. Sau đó lọc và uống hai lần mỗi ngày để trị ho.
Người bị ho cần tránh ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm, món ăn giúp giảm ho, người bị ho cũng cần chú ý cân nhắc và tránh sử dụng một số loại thức ăn dưới đây để tránh tình trạng ho kéo dài hơn.
Các thực phẩm lạnh
Viêm họng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ho của bạn kéo dài không khỏi. Do đó, khi bị ho, bạn nên tránh sử dụng các loại thức ăn, đồ uống quá lạnh có thể khiến cổ họng bị sưng viêm, kích ứng dẫn đến ho nhiều hơn. Ngoài ra, đồ ăn quá lạnh cũng có thể gây tổn thương phổi khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Thực phẩm chiên, rán, nướng, xào
Các loại thực phẩm này sau khi chế biến xong thường sẽ khá cứng, gây ma sát với niêm mạc cổ họng khiến người bệnh khó nuốt, khó chịu khi ăn và kích ứng cổ họng gây ho nhiều hơn. Ngoài ra, thực phẩm chiên, nướng, xào, rán thường chứa nhiều dầu mỡ gây khó tiêu, ăn nhiều sẽ gây rối loạn tiêu hóa và có hại cho dạ dày người bệnh.
Bên cạnh đó, các thực phẩm này còn khiến cho cổ họng tiết nhiều chất nhầy, dịch đờm hơn. Điều này sẽ không tốt cho cổ họng và khiến các cơn ho ngày càng trầm trọng.
Các thực phẩm tăng tiết dịch nhày
- Sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa có thể gây kích thích tiết chất nhầy trong đường hô hấp, bao gồm phổi và cổ họng dẫn đến kích ứng đường hô hấp gây ho. Vì vậy, bạn nên loại bỏ sữa ra khỏi chế độ ăn khi bị ho nếu không muốn tình trạng ho nặng hơn.
- Quýt có nhiều phần trong đó vỏ quýt giúp chữa ho, long đờm nhưng thịt quýt có tác dụng ngược lại. Trong thịt quýt chứa Cellulite khiến cơ thể sinh nhiệt, sản sinh ra nhiều dịch đờm hơn, từ đó sẽ làm cho bạn ho kéo dài và lâu khỏi.
- Các loại rau củ như khoai sọ, củ từ, mồng tơi, rau đay,… Nguyên nhân là do lượng chất nhày lớn trong các loại rau củ này có thể làm gia tăng lượng dịch đờm vốn đã gây khó chịu cho người bị ho. Ngoài ra, chúng còn kích thích thêm cổ họng khiến các cơn ho của bạn càng kéo dài dai dẳng không khỏi.
Đồ uống có cồn, có gas
Một số loại đồ uống có cồn như rượu, bia và các loại nước uống có gas có thể gây kích ứng niêm mạc cổ họng dẫn đến những cơn ho dai dẳng. Do đó, khi bị ho, bạn nên tránh sử dụng các loại đồ uống này để tránh ho kéo dài không khỏi.
Thực phẩm gây dị ứng
Nếu nguyên nhân gây ho của bạn là do bệnh hen suyễn, một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng đồng thời kích thích đường hô hấp khiến tình trạng hen suyễn và ho của bạn ngày càng trầm trọng hơn. Vì vậy, bạn cần đến thăm khám bác sĩ để xác định xem bệnh hen suyễn của bạn có liên quan đến chế độ ăn uống hay không để lựa chọn chế độ ăn phù hợp.
Một số thực phẩm có thể gây dị ứng và làm nặng thêm tình trạng hen suyễn và ho mà bạn cần chú ý cân nhắc như các loại hải sản có vỏ, trứng, cá, các loại hạt, nấm… Khi bị ho, tôm cua và cá không phải là một thực phẩm được khuyến khích sử dụng bởi hệ hô hấp dễ bị kích thích do vỏ của những loại hải sản này. Ngoài ra, trong tôm cua và cá rất giàu Protein mà nhiều người có thể bị dị ứng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ho.
Đồ uống chứa cafein
Các loại đồ uống chứa cafein, chẳng hạn như cà phê, trà, nước tăng lực,… sẽ khiến cơ thể bạn bị mất nước. Điều này dẫn đến cổ họng bị khô, gây khó chịu khi nuốt và khiến bạn bị ho khan. Vì vậy, tránh các loại đồ uống chứa cafein là điều cần thiết khi bạn bị ho để giảm cảm giác khó chịu và tránh cơn ho kéo dài hơn.
Trên đây là một số thông tin về những thực phẩm, đồ uống mà người bị ho nên và không nên ăn mà bạn cần chú ý để cải thiện tình trạng ho. Tuy nhiên, nếu bạn bị ho dai dẳng không khỏi, đã tuân thủ chế độ ăn uống tốt mà tình trạng vẫn không thuyên giảm, bạn nên đến các cơ sở y tế thăm khám sớm để được bác sĩ tư vấn biện pháp điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.healthline.com/health/tea-for-cough#other-home-remedies
- https://www.mayoclinic.org/symptoms/cough/basics/causes/sym-20050846
- https://healthfully.com/ribs-cracking-and-stretching-7468093.html
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!