Tác phẩm Đường Kách mệnh và sự phát triển của dân tộc Việt Nam

Cách đây 90 năm, tác phẩm Đường Kách mệnh (1927) của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh được xuất bản. Trước đó 2 năm, Người đã xuất bản tại Paris tác phẩm Le Procès de la Colonisation Franaise (Bản án chế độ thực dân Pháp). Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân và Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó. Từ nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, kết án tội ác của nó trong lịch sử nhân loại đến nhận rõ con đường cách mạng và cái đích cần phải đến của đất nước và dân tộc Việt Nam khi đó còn chìm đắm trong lầm than, nô lệ là thuộc về vai trò khai phá, mở đường của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.

Tác phẩm Đường Kách mệnh đã đặt lên hàng đầu vai trò soi sáng của lý luận khi Nguyễn Ái Quốc dẫn luận điểm nổi tiếng của Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động… Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”(1). Quan điểm đó làm sáng tỏ nhận thức về sự cần thiết phải xây dựng một đảng cách mạng được trang bị lý luận tiền phong, có đường lối chính trị đúng đắn và tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, đủ sức đảm đương vai trò lãnh đạo và đưa cách mạng đến thắng lợi:

“Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(2).

Chủ nghĩa mà Nguyễn Ái Quốc đề cập chính là lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin mà Nguyễn Ái Quốc đã tiếp thụ từ cội nguồn, ra sức học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và truyền bá vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, những năm 20 thế kỷ XX trong quá trình chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đã làm rõ khái niệm cách mạng: “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(3). Phân tích các loại cách mạng, vì sao sinh ra cách mạng tư bản, cách mạng dân tộc, cách mạng giai cấp, lực lượng tham gia cách mạng và mục tiêu, phương pháp đấu tranh cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã tổng kết, đánh giá cách mạng đã diễn ra trên thế giới: Lịch sử cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp (bao gồm cả cách mạng tư sản 1789 và cách mạng vô sản – Công xã Paris 1871) và Lịch sử cách mạng Nga. Trong các cuộc cách mạng đó, Nguyễn Ái Quốc nêu rõ những bài học quý giá về lý luận và thực tiễn để vận dụng vào quá trình cách mạng Việt Nam. Cần phải tiến hành cách mạng triệt để, nghĩa là cách mệnh đến nơi mang lại quyền và lợi cho mọi người dân, đó là mục tiêu cao cả của cách mạng:

“Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”(4).

Nguyễn Ái Quốc nêu rõ chỉ có cách mạng Nga là thành công đến nơi nghĩa là dân chúng được hưởng hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật sự. Cách mạng Nga còn giúp cho các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa đánh đổ sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, phong kiến, giành độc lập và ruộng đất cho dân cày.

Xem xét toàn bộ tiến trình cách mạng, kinh nghiệm các cuộc cách mệnh trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rõ công nhân, nông dân là người chủ cách mệnh, nghĩa là lực lượng nòng cốt, là đội quân chủ lực của cách mệnh. “công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ… là bầu bạn cách mệnh của công nông”(5).

Muốn cách mạng thành công phải tập hợp, đoàn kết được lực lượng của toàn thể dân chúng. Lực lượng dân chúng chỉ có sức mạnh khi được tổ chức trong các hình thức tổ chức quần chúng của công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, nhất là tổ chức công hội, nông hội. Các tổ chức quần chúng cũng như tổ chức đảng phải vững, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.

Do đặc điểm của xã hội Việt Nam đương thời tồn tại chế độ thuộc địa với sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp cấu kết với chế độ phong kiến đã suy tàn nên mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp sâu sắc và phát triển gay gắt. Mục tiêu giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho nông dân, công xưởng cho công nhân càng trở nên bức thiết. Trong thời đại mới được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga (1917), nội dung giải phóng các dân tộc thuộc địa, giải phóng giai cấp vô sản, đánh đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới – xã hội XHCN đã đặt ra trực tiếp. Nguyễn Ái Quốc đã sớm xác định, hai công cuộc giải phóng vĩ đại (giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, xã hội) chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản. Trong sự nghiệp cách mạng đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”(6) (tức là chủ nghĩa Mác – Lê-nin).

Chủ nghĩa quốc tế, mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng các nước là nét đặc trưng, nổi bật của tiến trình cách mạng thế giới trong thế kỷ XX. Quốc tế Cộng sản (1919 – 1943) và những tổ chức quốc tế do Quốc tế Cộng sản lãnh đạo có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của cách mạng ở các nước, trong đó có Việt Nam. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Nguyễn Ái Quốc đã nêu bật vai trò và sự hoạt động của các tổ chức quốc tế, các mối quan hệ quốc tế. Nguyễn Ái Quốc cũng nêu rõ mối quan hệ giữa cách mạng ở các thuộc địa với cách mạng vô sản ở các nước tư bản chủ nghĩa, quan hệ giữa nhân dân các nước thuộc địa với giai cấp vô sản và nhân dân các nước tư bản, quan hệ giữa các dân tộc thuộc địa với nhau. Khi phong trào cách mạng ở các thuộc địa trong đó có Việt Nam phát triển theo con đường của chủ nghĩa cộng sản tất yếu phải xây dựng đảng cộng sản và do đó phải tăng cường mối quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản ở các nước. Nguyễn Ái Quốc nhấn mạnh sự giúp đỡ quốc tế, song cách mạng muốn thành công phải dựa trên sức mạnh của chính mình, cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng. Người chỉ rõ “muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(7).

Sự nghiệp cách mạng phát triển nhờ vai trò lãnh đạo của đảng cách mạng. Đảng cách mạng gồm những người cách mạng tiên phong, ưu tú nhất. Trong tác phẩm, Nguyễn Ái Quốc đặt lên hàng đầu Tư cách một người cách mệnh. Với 23 điểm về tư cách một người cách mạng xử lý đúng đắn quan hệ tự mình, đối với người khác và đối với công việc. Đó là những chuẩn mực về đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh và phong cách cần có ở người cách mạng như: Cần, kiệm, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, ít lòng ham muốn về vật chất .v.v.. Những phẩm chất, tư cách đó bảo đảm có được những chiến sĩ cách mạng và Đảng chân chính cách mạng suốt đời vì lợi ích của dân tộc, đất nước và nhân dân.

Tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thật sự là định hướng căn bản và toàn diện con đường phát triển của cách mạng và dân tộc Việt Nam phù hợp với quy luật vận động của lịch sử dân tộc và đặc điểm, xu thế của thời đại. Tác phẩm cũng làm rõ những vấn đề về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để xây dựng Đảng cách mạng – yêu cầu trước hết của sự nghiệp cách mạng và là sự bảo đảm cho cách mạng đi tới thắng lợi.

Mùa Xuân năm 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung cơ bản của Đường Kách mệnh đã được thể hiện trong các văn kiện hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên (Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt) được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng. Cương lĩnh đã xác định con đường phát triển và mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập” và “để đi tới xã hội cộng sản”(8).

Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt lịch sử, sự phát triển về chất của cách mạng Việt Nam. Cách mạng và phong trào yêu nước thoát khỏi “tình hình đen tối như không có đường ra”, chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối và lãnh đạo. Với Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn dựa trên nền tảng tư tưởng, lý luận khoa học, đáp ứng đòi hỏi về lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền sống của nhân dân, Đảng đã tập hợp, đoàn kết lực lượng của giai cấp công nhân, nông dân và toàn dân tộc, đưa sự nghiệp cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Đó là thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo, “Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(9). Từ Đường Kách mệnh ra đời đến khi đất nước độc lập trải qua 18 năm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(10).

Đất nước vừa độc lập, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Trong Tuyên ngôn Độc lập (02-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định ý chí: toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập. Mọi cố gắng về giải pháp hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã không được phía Pháp đáp lại. Một người Mỹ, ông Patti đánh giá ở thời điểm lịch sử ấy, “thấy ở ông Hồ một con người yêu chuộng hòa bình, sẽ mong muốn thương lượng hơn là đánh nhau, mặc dù tôi vẫn tin rằng nếu không có lối thoát, ông sẽ chiến đấu”(11). “Bị bất ngờ trước cuộc tiến công tàn bạo của Pháp, nhưng ông Hồ vốn là người muốn thương lượng điều đình, nên đã cố gắng tìm cách tránh một cuộc đụng độ toàn diện và kêu gọi người Pháp ngừng bắn”(12).

Khi Chính phủ và giới quân sự Pháp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh xâm lược, dân tộc Việt Nam buộc phải chiến đấu để bảo vệ nền độc lập. Trải qua 9 năm kháng chiến, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07-5-1954) đã buộc Pháp chấm dứt chiến tranh, ký Hiệp định Giơnevơ (21-7-1954). Pháp và các nước lớn trong Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Giơnevơ đã nêu rõ: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín”(13).

Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử cả về quân sự, chính trị và pháp lý. Nhưng đế quốc Mỹ đã tìm mọi cách phá hoại Hiệp định, chiếm miền Nam Việt Nam, thay thế thực dân Pháp, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới và trắng trợn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tướng Charles de Gaulle – tác giả của kế hoạch tái chiếm Đông Dương năm 1945, từ bài học thất bại của Pháp, năm 1961 với tư cách Tổng thống nước Pháp đã có lời khuyên Tổng thống Mỹ G.Kennedy không nên lao vào chống chế độ cộng sản ở Việt Nam. Ngày 29-8-1963, Tổng thống Pháp De Gaulle đề nghị trung lập hóa miền Nam Việt Nam và không ủng hộ Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Với 5 đời tổng thống, đế quốc Mỹ lao vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và cuối cùng phải chấp nhận thất bại, ký Hiệp định Paris (27-01-1973) rút hết quân Mỹ về nước. Điều 1 của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam ghi rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận”(14).

Với đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, sự nghiệp kháng chiến kéo dài 30 năm vì độc lập, thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành trọn vẹn, đưa cả nước tiến lên con đường xã hội chủ nghĩa.

Sau ngày toàn thắng 30-4-1975, Đảng đã tổng kết 45 năm lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong đó có 30 năm kháng chiến cứu nước tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (12-1976). Chặng đường đầy gian khổ, hy sinh và thắng lợi vẻ vang đó đã để lại những kinh nghiệm và bài học quý giá cho thời kỳ phát triển tiếp theo.

Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chính giới Mỹ cũng có những tổng kết quan trọng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã thẳng thắn thừa nhận thất bại của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong công trình tổng kết, ông nêu rõ nguyên nhân thất bại của Mỹ: “Nếu chúng ta muốn học từ kinh nghiệm của mình ở Việt Nam, trước tiên, chúng ta phải chỉ ra những thất bại của chúng ta. Có 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của chúng ta tại Việt Nam”(15). Một trong những nguyên nhân đó là: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt Cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó. Và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới”(16).

Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất có nhiều vận hội cho sự phát triển, nhất là phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, song lại phải đối diện với những thách thức nặng nề. Các thế lực thù địch bao vây, cấm vận và tăng cường phá hoại từ bên trong. Phải tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây – Nam và cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt chủng và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc. Phải vượt qua khủng hoảng kinh tế – xã hội từ năm 1979. Với bản lĩnh và ý chí, quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm bị chi phối bởi bệnh giáo điều, chủ quan, duy ý chí, nhận thức và vận dụng quy luật khách quan không đúng, Đảng đã từng bước đổi mới tư duy, khảo nghiệm, tổng kết thực tiễn đi tới khẳng định đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng (12-1986).

Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ghi nhận sự phát triển nhận thức về CNXH và thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam với đường lối đổi mới toàn diện và sâu sắc. Đường lối đổi mới do Đại hội VI vạch ra đã không ngừng được bổ sung, phát triển và hiện thực hóa suốt 30 năm qua. Quá trình đổi mới phải 10 năm sau (1986 – 1996) đất nước mới ra khỏi khủng hoảng. Sự phát triển của đất nước đồng thời lại phải vượt qua sự tác động tiêu cực của những cuộc khủng hoảng trên thế giới: Khủng hoảng dẫn tới sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô (1989 – 1991); khủng hoảng tài chính – tiền tệ ở các nước Đông Nam Á và Châu Á (1997 – 2000) và khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu từ 2008 đến nay cùng với tình hình căng thẳng, diễn biến phức tạp ở Biển Đông.

Sự nghiệp đổi mới, xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã tạo động lực cho kinh tế phát triển, ra khỏi tình trạng nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh CNH, HĐH để Việt Nam sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chính trị ổn định, hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh với vai trò của Đảng Cộng sản cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. An sinh xã hội được bảo đảm với các chính sách xã hội được thực hiện có hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Từ những bài học thành công và đổ vỡ của CNXH trên thế giới, từ thực tiễn đổi mới mà nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII của Đảng thông qua (6-1991) và Đại hội XI bổ sung, phát triển năm 2011 đã làm rõ và từng bước hiện thực hóa mô hình CNXH ở Việt Nam mà mục tiêu hàng đầu là xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Những vấn đề của thời kỳ quá độ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người được thể hiện trong những phương hướng cơ bản mà Cương lĩnh đề ra. Những mối quan hệ lớn được đặt ra cần được xử lý đúng đắn mang tính quy luật và giải pháp cơ bản. Dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã và đang phát triển trên con đường đúng đắn được mở ra từ Đường Kách mệnh và vững tin hướng tới tương lai tươi sáng.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành tháng 10-2016 nêu rõ: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta – Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”(17).

Trên mỗi bước đường đi tới thắng lợi và thành tựu cũng có những sai lầm, khuyết điểm. Mỗi lần mắc sai lầm, Đảng tỏ rõ bản lĩnh và trách nhiệm trước đất nước và dân tộc, đã thẳng thắn tự phê bình và quyết tâm sửa chữa. Hội nghị Trung ương 10 khóa II (1956) đã sửa chữa sai lầm của cải cách ruộng đất, củng cố niềm tin của nhân dân. Đại hội VI đã thẳng thắn chỉ rõ sai lầm trong cải tạo XHCN và quản lý kinh tế và sửa chữa bằng đường lối đổi mới. Hiện nay, cùng với những thuận lợi và vận hội cho sự phát triển đất nước, vẫn tồn tại 4 nguy cơ đã được xác định từ năm 1994, có mặt còn diễn biến phức tạp hơn, trong đó có một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật đã cho rằng những hạn chế, khuyết điểm về xây dựng Đảng đã “làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”(18).

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (15-5-2016) về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện quyết tâm chính trị với những giải pháp căn bản, cụ thể của Đảng và cả hệ thống chính trị với sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân đang tạo ra những chuyển biến tích cực “để Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị và tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động, trong sạch về đạo đức và lối sống, chặt chẽ về tổ chức, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước ngày càng phát triển, xứng đáng với lòng tin yêu của nhân dân”(19).

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2017

(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tr.279, 289, 284, 292, 288, 204, 320.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.2.

(9) Sđd, Hồ Chí Minh,t.4, tr.3.

(10) Sđd, Hồ Chí Minh,t.7, tr.25.

(11), (12) Archimedes L.A.Patti: Why Vietnam? Tại sao Việt Nam ?, Nxb Đà Nẵng, 1995, tr.234, 385.

(13) Bộ Ngoại giao: Hiệp định Giơnevơ 50 năm nhìn lại, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr.314.

(14) Bộ Ngoại giao: Mặt trận ngoại giao với cuộc đàm phán Paris về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.481.

(15), (16) Robert S.McNamara: Nhìn lại quá khứ, tấm thảm kịch và những bài học về Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.316, 316.

(17), (18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.20, 23, 49.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc

Theo lyluanchinhtri.vn

Thu Quyên(st)