Dấu vân tay của mỗi người là riêng biệt! Nhưng bạn có thử tưởng tượng có một ngày chúng thay đổi hoặc biến mất? Chiếc iphone của bạn không nhận diện được vân tay? Lúc ấy phải làm thế nào?
Thực tế có nhiều bệnh lý da như chàm cơ địa, vảy nến, mụn cóc, bệnh lý di truyền có thể ảnh hưởng đến dấu vân tay của bạn. Chủ đề này tôi nói về những biến đổi dấu vân tay dựa trên con mắt của y học.
Dấu vân tay có gì đặc biệt?
Dấu vân tay là một đặc điểm nhận dạng tự nhiên đặc trưng riêng của mỗi người. Thậm chí là những trẻ sinh đôi đồng trứng cũng sẽ không có dấu vân tay giống nhau!
Sự phối tác của các vòng móc đơn, kép; các vòng cung, vòng xoắn tạo nên các bản đồ chỉ dẫn riêng biệt. Những chỉ dẫn đó đủ để làm bằng chứng cho việc xác đinh danh tính của mỗi người.
Từ những năm 1920s, vân tay đã được chấp nhận sử dụng như là bằng chứng trước pháp toàn. Bạn có đọc truyện hoặc xem phim Sherlock Holmes chứ, nếu có thì chắc hẳn bạn sẽ để ý đến sự lặp lại của vấn đề này.
Và một câu chuyện khác có nhiều tội phạm hay nhiều người cố tình sử dụng các viên đá mài, hóa chất để cố làm thay đổi đi hình dáng của chúng. Vậy chúng có thay đổi hay biến mất đi không?
Dấu vân tay có bị thay đổi hoặc biến mất?
Câu trả lời đơn giản là không! Theo thời gian, tuổi tác thì vân tay vẫn không hề bị biến đổi. Nhưng chúng sẽ bị tác động đến bởi một số yếu tố bên ngoài mà tôi sắp đề cập đến dưới đây.
Theo luận giải tướng số Phương Đông, các đường chỉ tay, vân tay còn được dùng để dự báo vận mệnh tương lai hoặc những biệt tài, năng khiếu trời cho của một người nào đó.
Khi bạn lớn lên, chúng cũng lớn dần theo nhưng mọi đặc điểm phân bố đều không hề thay đổi. Bạn có thể đi phẫu thuật nâng mũi, tạo hình mí, tạo hình xương mặt để lột xác hoàn toàn. Nhưng vân tay sinh ra đã là vĩnh viễn. Tuy nhiên vẫn sẽ có những thứ sẽ tác động vào định luật này. Đó là gì?
Nguyên nhân khiến dấu vân tay bị ảnh hưởng?
Tuổi tác và lão hóa
Như đã nói ở trên, tuổi tác sẽ không làm chúng thay đổi. Chỉ là dấu vân tay sẽ khó nhận diện hơn ở những người lớn tuổi. Bởi vì khi này, độ đàn hồi và cấu trúc các đường vân trở nên mờ nhạt hơn.
Nghề nghiệp và thói quen
Nghề gắn liền với nghiệp
Những công nhân xây dựng, thợ xây, thợ khoan, đầu bếp, pha chế, thợ làm tóc, nhân viên văn phòng, nhân viên y tế sẽ phải thường xuyên tiếp xúp với nước, xà phòng, hóa chất thường xuyên. Khi đó, các đầu ngón tay có thể viêm đỏ, bong tróc, nứt nẻ và vân tay giai đoạn này có thể biến mất.
Nguyên nhân khiến tình trạng này thường xuất hiện đó chính là nước hoặc các sản phẩm tẩy rửa lấy đi lớp hàng rào chất béo bảo vệ của da. Những chất khác có thể xâm nhập vào da dễ dàng hơn, gây ra triệu chứng kích ứng, bong tróc.
Có thể bạn cũng đang quan tâm: Mụn bọc dưới cằm và quanh miệng có phải là mụn nội tiết? cách trị thế nào?
Nhưng khi tất cả mọi thứ được đẩy lùi, da có điều kiện phục hồi thì các đường vân lại quay trở lại với hình dáng ban đầu. Nhiệm vụ của bạn sẽ phải làm trong giai đoạn này là kiên trì điều trị và phục hồi da mà tôi sẽ nói đến ở bên dưới.
Thói quen mút ngón tay của trẻ
Có nhiều phụ huynh đem con đến với tình trạng bong da các đầu ngón tay. Đặc biệt trong giai đoạn bé bắt đầu mọc răng. Tình trạng thường thấy là bong da khoảng tầm nửa ngón tay, vị trí các ngón tay thường cho vào miệng.
Qua quan sát thói quen của trẻ và đặc điểm tình trạng, có thể xác định được vấn đề này. Chỉ cần điều chỉnh làm sao cho trẻ không mút ngón tay được nữa thì tình trạng sẽ nhanh cải thiện sau đó. Dĩ nhiên, nên sử dụng kết hợp đều đặn dưỡng ẩm cho bé.
Chấn thương và bệnh lý
Có một số bệnh lý da sẽ ảnh hưởng đến lớp thượng bì, trung bì và các mô bên dưới của da. Kết quả là các thiết bị như máy quét vân tay, chiếc iphone hay điện thoại cảm biến vân tay rất khó nhận diện được. Thậm chí là không thể nhận diện được.
Bệnh lý di truyền
Adermatoglyphia là một bệnh lý gen cực kì hiếm gặp khiến cho người bệnh không có dấu vân tay. Nguyên nhân gây bệnh là do gặp phải những đột biến trên nhiễm sắc thể 4q22 chịu trách nhiệm mã hóa một loại protein đặc hiệu ở da.
Khi đó, da lòng bàn tay, chân, các đầu ngón gần như trơn nhẵn hoàn toàn. Nhưng may mắn thay là sức khỏe nhìn chung không bị ảnh hưởng gì. Biết đến vậy thôi chứ hiện nay trên thế giới chỉ có 4 trường hợp được xác định mắc phải bệnh ý oái ăm này.
Hóa trị liệu ung thư
Câu chuyện được dấy lên khi mà một người đàn ông Singapore đã không lên được chuyến bay của mình chỉ vì máy quét vân tay không nhận diện được. Thực tế là ông ấy đang trong liệu trình hóa trị liệu ung thư cho vùng đầu cổ.
Trong các thuốc điều trị, capecitabine có thể gây hội chứng tay-chân với biểu hiện sưng, đau, bong da lòng bàn tay, chân và mất dấu vân tay.
Vết cắt hoặc bỏng
Những vết thương sâu xuống lớp bì của da có khả năng tạo sẹo và vô tình tạo thêm một đường sẹo trên dấu vân tay. Khi đó, dấu vân tay cũng bị thay đổi.
Tuy nhiên, bạn sẽ có 10 đầu ngón tay cho nên nếu ngón này bị thay đổi theo cách này thì cũng sẽ còn ngón khác. Trừ khi chấn thương đó là nặng nề và ảnh hưởng hết các đầu ngón tay của bạn.
Một ví dụ minh họa điển hình, anh chàng trong bức ảnh bên là John Dillinger – một ganster nổi danh của những năm 1930s. Lý do nổi danh không phải bởi kĩ năng chơi bài mà bởi chuyện anh chàng này đã tự phá hủy các dấu vân tay của mình bằng cách làm bỏng bởi lửa và acid. Tuy nhiên, điều ấy lại chỉ mang lại tác động tạm thời và khi da mọc mới lại thì mọi thứ vẫn y nguyên như cũ. Thật trớ trêu!
Cùng xem thêm chủ đề:
- Nói tất cả về chăm sóc, điều trị mụn trứng cá
- Hỏi đáp về retinoids, retinols, retinaldehyde, tretinoin cùng bác sĩ!
Bỏng nắng
Khi tiếp xúc với ảnh nắng kéo dài mà không được bảo vệ tốt có thể gây ra bỏng nắng. Biểu hiện có thể là bàn tay nóng đỏ, đau khi đụng vào và sau vài ngày thì sẽ có biểu hiện bong lột da thường thấy.
Quá trình phục hồi sẽ cần vài ngày hoặc vài tuần. Trong giai đoạn này, việc chườm lạnh và thoa dưỡng ẩm là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, không quên thoa chống nắng và tránh các yếu tố kích ứng da kèm theo.
Tương tự vậy, da cũng có thể phản ứng với những thay đổi thời tiết thường gặp trong mùa nóng hoặc lạnh.
Chàm bàn tay
Đây là vấn đề thường gặp và dễ tiến triển mạn tính. Bệnh cần nhiều thời gian để phục hồi tình trạng, trong giai đoạn này cũng cần điều chỉnh nhiều hoạt động thường nhật đi kèm.
Tình trạng này rất hay gặp ở những người nội trợ, giặt giũ, sau sinh. Chính vì thế nó còn được gọi với tên gọi ‘housewises eczema’. Những nhóm nghề nghiệp khác đã được đề cập đến ở đoạn trên.
Có 2 dạng biểu hiện thường gặp:
- Dạng chàm khô (KTPP): Các đầu mút ngón tay (thường là các ngón cái, trỏ và giữa) thô nhám, rồi trở nên sần sùi hơn, khô và dần nứt nẻ ra. Vân tay bắt đầu mờ đi vầ mất hẳn. Nếu không điều trị, tình trạng thường lan rộng dần ra và ảnh hưởng đến cả 2 tay. Và sau đó là gây rối loạn móng.
- Dạng chàm ướt: thường có hiện tượng sưng đỏ, ngứa nhiều, kèm các mụn nước nhỏ vời biểu hiện cấp tính. Tình trạng thường ảnh hưởng cả mặt bên và mặt mu các ngón tay.
Vì tính quan trọng và thường gặp của vấn đề này cho nên tôi sẽ tiếp tục riêng biệt ở một bài viết khác trên blog. Mời bạn đọc đón xem!
Dị ứng tiếp xúc
Khác với hiện tượng kích ứng da thì dị ứng là phản ứng riêng biệt, không phải ai tiếp xúc cùng với những chất, môi trường giống hệt đều bị.
Chất liệu latex (thường trong găng tay y tế) là thủ phạm gây dị ứng bàn tay, ngón tay cho nhiều nhân viên y tế. Cobalt, Chromate, Thiuram là những tác nhân dị ứng thường thấy trong xi măng, chất thuộc da, bột sơn, dầu, thuốc trừ sâu.
Nhiễm trùng bàn – ngón tay
Dạng thường gặp gây ảnh hưởng đến các vân tay nhất đó là dạng nấm khô sừng hóa. Biểu hiện với các vảy dính trên nền hồng ban, thường có tổn thương móng đi kèm trên 1 bàn tay.
Viêm da mủ đầu ngón tay là một tình trạng nhiễm khuẩn da cấp tính gây ra do tụ cầu vàng hoặc liên cầu sinh mủ. Biểu hiện với bọng nước trên nền đỏ da đau nhức ở đầu các ngón tay chân.
Nhiễm trùng ngón tay, quanh móng gây ra do virus như herpes là ít gặp. Bệnh cũng có thể gây ra các mụn nước, bọng nước chân sâu trên nền hồng ban. Dạng virus thường gặp nhất đó chính là mụn cóc.
Các tình trạng trên có thể khiến đầu ngón tay sưng đỏ, bong da, rộp nước và đều làm thay đổi tạm thời các đường vân tay. Và chắc chắn là những vấn đề này cần được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
Vảy nến
Đây là tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 1-3% dân số chung. Đặc trưng diễn tiến mạn tính, tái phát từng đợt cấp tính và gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.
Vảy nến bàn ngón tay biểu hiện với các mảng đỏ da kèm các vảy da màu nâu dày, đôi khi gây nứt nẻ, chảy máu. Nhưng đôi khi cũng rất khó có thể phân biệt với bệnh lý chàm và nấm kể trên.
Bạn đọc có thể tìm hiểu thâm về tình trạng này qua bài viết “hiểu và sống chung với vảy nến” trên blog này.
Ngoài ra, còn có nhiều bệnh lý khác có thể gây ra những biến đổi bề mặt da, mất dấu vân tay khác như hội chứng raynauld, lupus ban đỏ, xơ cứng bì, bệnh lý bọng nước… Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin phép không đề cập đến chúng.
Làm thế nào khi da tay bị bong tróc, nứt nẻ?
Nếu tình trạng da đầu các ngòn tay, lòng bàn tay khô, đỏ, nứt nẻ thì việc đầu tiên cần làm là xác định nguyên nhân gây ra vấn đề. Loại bỏ, hạn chế các yếu tố nguy cơ tác động. Sử dụng kem bôi, thuốc trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với những trường hợp bong da có liên quan đến tiếp xúc với nước, hóa chất. Một số gợi ý sau đây sẽ giúp ích phần nào cho bạn.
- Chỉ rửa tay khi thực sự cần thiết, bàn tay bẩn, trước khi ăn, sau khi sử dụng bồn tắm
- Luôn ưu tiên sử dụng nước ấm hoặc mát thay vì việc sử dụng nước nóng để tắm, rửa
- Sử dụng những sản phẩm sát khuẩn tay nhanh nếu da không có vết bẩn nhìn thấy mà cần phải rửa
- Mặc găng tay tay cao su khi tiếp xúc với nước. Nếu bạn có cơ địa dị ứng với cao su, có thể sử dụng 1 lớp găng tay vải mỏng trước khi mang găng cao su bên ngoài
- Luôn sử dụng dưỡng ẩm để thoa đều đặn, đặc biệt quan trọng nhất vào thời điểm sau tắm, rửa
- Tránh những thành phần thường gây kích ứng da như: hương liệu, chất bảo quản như formaldehyde, isothiazolinones, cocamidopropyl betaine, sodium lauryl sulfate…
- Sử dụng áo quần, trang bị thấm hút mồ hôi tốt, thoáng khí
- Khi đi mưa, gió lạnh trong mùa đông, nên mặc găng tay chống nước và giữu ấm tốt cho bàn tay
- Uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, chất xơ có lợi cho sức khỏe.
Lời nói cuối
Chăm sóc bàn tay khỏe đẹp là một phần trong xu hướng thẩm mỹ hiện tại. Bởi lẽ bàn tay là một cơ quan giao tiếp, cơ quan biểu lộ cảm giác, xúc giác tinh tế của mỗi người.
Nhận diện sớm những thay đổi của bàn tay cho phép có thái độ điều chỉnh đúng đắn. Qua đó hạn chế những tác động không đáng có, những diễn tiến bất lợi của tình trạng.
Hãy luôn trao đổi với bác sĩ chuyên khoa da liễu của bạn về những vấn đề mà bạn gặp phải. Tôi sẽ luôn ở đây, đồng hành cùng bạn vì sức khỏe và sắc đẹp!
BS Trần Ngọc Nhân
Tài liệu tham khảo
- Brian Wu (2017). Occupational skin disorders in homemakers. https://www.dermnetnz.org/topics/occupational-skin-disorders-in-homemakers/
- Martin Drahansky et al (2016). Influence of Skin Diseases on Fingerprint Recognition. Journal of Biomedicine and Biotechnology Volume 2012, Article ID 626148, 14 pages http://dx.doi.org/10.1155/2012/626148
- Suzanne Falck, MD (2017). What Causes Peeling Fingertips and How Is It Treated? https://www.healthline.com/health/fingertips-peeling
- Uma Shankar Agarwal et al (2014). Hand Eczema. Indian J Dermatol. 2014 May-Jun; 59(3): 213-224. doi: 10.4103/0019-5154.131372
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!