Các giác quan của trẻ sơ sinh được hình thành ngay từ khi con còn là bào thai và được hoàn thiện dần trong năm đầu đời.
12 tháng đầu tiên cũng được coi là thời điểm “vàng” phát triển thể chất của con, vì thế con rất cần sự giúp đỡ và đồng hành của bố mẹ để có thể phát triển hai yếu tố quan trọng này một cách tốt nhất.
Các mẹ hãy cùng theo dõi sự phát triển thể chất và các giác quan của con yêu trong bài viết này nhé!
Và chắc hẳn đây cũng là mong muốn chung của các bậc cha mẹ. Vậy thì mời bố mẹ cùng đọc bài viết sau để có thêm thông tin về sự phát triển thể chất và các giác quan của trẻ sơ sinh nhé!
Sự phát triển các giác quan của trẻ sơ sinh
Làm gì để kích thích các giác quan của bé phát triển
5 giác quan của bé gồm thính giác, thị giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Các giác quan này đều đã được hình thành từ trong bụng mẹ và sẽ tiếp tục phát triển sau khi con chào đời.
Mẹ cũng có thể kích thích giác quan cho trẻ sơ sinh ngay từ khi con còn trong bụng mẹ với các bài tập thai giáo âm nhạc, thai giáo hội họa, thai giáo ánh sáng…
Nếu mẹ chưa từng nghe đến các bài tập thai giáo này, mẹ nên tìm hiểu và áp dụng đúng cách để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Mẹ có thể áp dụng thai giáo để giúp các giác quan của con phát triển tốt hơn ngay từ trong bụng mẹ
Khả năng nghe của trẻ sơ sinh trong vài tuần đầu sẽ hơi yếu mặc dù tai của con đã hoàn thiện từ tuần thứ 16 trong thai kì. Ban đầu con mới chỉ nghe thấy các âm thanh nhỏ và không rõ ràng, dần dần con mới nghe được nhiều âm thanh hơn.
Vì thế các mẹ thường thấy con bú và ngủ rất tập trung trong vài tuần đầu, nhưng đến giai đoạn sau con lại dễ xao nhãng bởi các tiếng ồn bên ngoài hơn.
Người lớn cần làm gì để phát triển các giác quan cho trẻ là thông tin POH muốn gửi đến mẹ qua bài viết Làm gì để kích thích các giác quan của bé phát triển, mời mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Sự phát triển xúc giác của trẻ
Mẹ có thể giúp phát triển giác quan cho trẻ sơ sinh ngay từ những hoạt động chăm sóc thường ngày. Ví dụ như nói chuyện với con để con phát triển thính giác hay ôm ấp, vuốt ve âu yếm để giúp xúc giác con phát triển.
Những hành động này cũng giúp gắn kết thêm tình cảm giữa mẹ và bé.
Bé cũng có thể chơi trò chơi phát triển các giác quan thích hợp theo từng giai đoạn. Đối với các bé chưa biết lẫy (khoảng dưới 4 tháng), mẹ có thể treo các đồ vật với kích thước, màu sắc và chất liệu khác nhau lên trước mặt bé để con có thể nhìn và chạm nhẹ vào khám phá đồ vật.
Thường xuyên được mẹ âu yếm và chơi đùa sẽ giúp con phát triển giác quan tốt hơn
Cơ thể trẻ sơ sinh rất nhạy cảm và xúc giác của con sẽ tập trung nhiều ở miệng, má, mặt, lòng bàn chân, bụng và tay.
Khi con lớn lên, tay sẽ là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với các đồ vật khác. Vì thế việc tập kĩ năng và cảm giác ở tay cho con là rất cần thiết.
Để tập cho bé cầm, nắm, bốc nhón và các kĩ năng vận động tay có chủ đích, mẹ nên tìm hiểu về từng giai đoạn phát triển kĩ năng vận động tay của con.
Sự phát triển các kĩ năng này là yếu tố quan trọng trong việc tập ăn uống, sinh hoạt tự lập của bé sau này.
Nếu trẻ 5 tháng tuổi chưa biết cầm nắm các đồ vật xung quanh, hay không biết với đồ chơi trong tầm tay, không cầm nắm được vật gì đưa lên miệng thì mẹ nên lưu ý vì rất có thể đây là dấu hiệu chậm phát triển thể chất ở trẻ.
Mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra nếu bé có các dấu hiệu này.
Mời mẹ tìm hiểu thêm về xúc giác của bé theo từng tháng tuổi trong bài viết Sự phát triển xúc giác của trẻ.
Sự phát triển vị giác của trẻ
Bố mẹ có đoán được giác quan nào của bé phát triển sớm nhất không? Nhiều bố mẹ cho rằng thị giác là giác quan phát triển sớm nhất ở trẻ vì hành động đầu tiên khi con chào đời là mở mắt nhìn thế giới.
Nhưng không phải, giác quan phát triển sớm nhất của bé là xúc giác, giác quan này đã xuất hiện ngay từ những tuần đầu tiên của thai kì và đã giúp con cảm nhận được cảm giác nóng, lạnh, đau… từ khi ở trong bụng mẹ.
Đặc điểm phát triển các giác quan của trẻ sẽ có sự khác nhau theo từng giai đoạn và theo từng giác quan. Ví dụ với vị giác, có bé giai đoạn đầu thì thích vị ngọt, sau đó lại thích vị chua,…
Vị giác của trẻ sơ sinh phát triển từ trong bụng mẹ, con đã có được những trải nghiệm về hương vị đầu tiên khi nuốt và nếm nước ối. Sau khi chào đời, vị giác của con rất nhạy cảm và con thường chỉ thích thú với vị ngọt của sữa mẹ.
Các gai vị giác trên lưỡi sẽ giúp con cảm nhận được mùi vị thức ăn
Mẹ không nên kích thích vị giác của trẻ bằng các hương vị quá mạnh với vị giác non nớt của con, đặc biệt là khi con ăn dặm. Không nên nêm bất kì gia vị gì vào đồ ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi.
Mẹ nên cố gắng cho con ăn nhạt nhất có thể khi con 1 tuổi trở lên là lời khuyên được các chuyên gia đưa ra để bảo vệ vị giác cũng như hệ tiêu hóa của bé.
Thông tin đầy đủ về các mốc phát triển vị giác, các cách giúp con phát triển vị giác được POH gửi đến mẹ trong bài Sự phát triển vị giác của trẻ mời mẹ tìm hiểu nhé!
Sự phát triển khứu giác của trẻ
Các giác quan của bé có mối liên quan và hỗ trợ lẫn nhau, ví dụ như khứu giác sẽ hỗ trợ vị giác để xác định và ghi nhớ mùi vị, hương thơm của các loại thức ăn.
Khứu giác của trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, vì thế sau khi chào đời, con có thể nhanh chóng nhận biết mùi của mẹ khác với tất cả những người khác, và đó là cách con nhận ra mẹ khi mắt chưa thể nhìn rõ được.
Một kinh nghiệm giúp bảo vệ và phát triển khứu giác nhạy cảm của con mà mẹ nên biết đó là mẹ không nên sử dụng nước hoa hay các mỹ phẩm khác có mùi thơm vào những ngày đầu sau sinh để khứu giác của con không bị kích thích quá mạnh và con có thể nhanh chóng làm quen với mùi hương thật của mẹ hơn.
Tiếp xúc với nhiều mùi hương tự nhiên sẽ giúp kích thích khứu giác của con phát triển tốt hơn
Mẹ có thể kích thích giác quan cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là khứu giác bằng cách cho con tiếp xúc với thật nhiều loại đồ vật, mùi hương khác nhau để con nhận biết được các chất liệu, mùi hương, màu sắc… để giúp các giác quan của trẻ phát triển tốt nhất.
Mời mẹ tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết Sự phát triển khứu giác của trẻ.
Sự phát triển thị giác của trẻ
Chắc hẳn thắc mắc về việc trẻ sơ sinh mấy tháng biết nhìn không thể làm khó được cha mẹ vì ai cũng nhận thấy rằng ngay từ khi mới sinh, con đã biết mở mắt và chớp chớp đôi mắt long lanh của mình để nhìn ngắm thế giới rồi.
Thế nhưng tầm nhìn và khả năng phân biệt màu sắc của trẻ sơ sinh còn rất hạn chế. Vậy mắt trẻ sơ sinh nhìn được bao xa?
Khi mới sinh ra, con chỉ có thể nhìn rõ vật trong khoảng 25-30cm, vì thế mỗi khi tương tác với con, bố mẹ nên đưa mặt đến gần con để con có thể nhìn rõ và nhận biết, ghi nhớ được khuôn mặt của bố mẹ.
Trẻ sơ sinh nhận biết màu sắc rất ít trong khoảng 2 tháng đầu đời, con chỉ nhận biết được các tông màu tương phản rõ rệt với nhau, ví dụ như trắng và đen. Khi lớn hơn 2 tháng tuổi, con sẽ dần nhận biết được các tông màu tương tự nhau như đỏ và cam hay vàng và cam.
Với em bé mới sinh, con sẽ thích thú nhìn đồ vật với màu sắc tương phản nhau hơn các đồ vật quá nhiều màu sắc
Cách giúp phát triển thị giác cho trẻ sơ sinh đơn giản nhất mà mẹ có thể làm là cho con nhìn ngắm, tiếp xúc với các đồ vật có màu sắc tương phản khi mới chào đời và đồ vật có màu sắc sặc sỡ vào giai đoạn sau, khi con đã nhận biết được nhiều màu sắc khác nhau hơn.
Mẹ có thể thấy trẻ sơ sinh hay nhìn lên trần nhà, nguyên nhân là vì cổ con chưa đủ cứng để có thể tự quay sang hai bên khám phá thế giới. Nằm mãi một tư thế và nhìn mãi một khung cảnh có thể khiến trẻ sơ sinh buồn chán và quấy khóc để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Vì trẻ sơ sinh hay nhìn lên trần nhà nên bố mẹ cần lưu ý về các bóng đèn điện trong phòng. Mẹ nên thử nằm vào vị trí của con rồi mở mắt ra xem bóng đèn liệu có chiếu thẳng vào mắt không.
Nếu có, mẹ nên chuyển vị trí nằm của con đến nơi ít tập trung ánh sáng hơn để con đỡ chói mắt, mỏi mắt.
Mời mẹ đọc thêm về các mốc phát triển thị giác và cách nhận biết các dấu hiệu bất thường ở thị giác của trẻ trong bài viết Sự phát triển thị giác của trẻ.
Sự phát triển thính giác của trẻ
Thính giác của trẻ sơ sinh nên được kiểm tra ngay từ khi con vừa chào đời và theo dõi trong những tháng đầu đời để phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường (nếu có) của trẻ.
Thính giác của con cũng sẽ nhạy cảm hơn người lớn rất nhiều và có thể bị tổn thương nếu nghe phải tiếng ồn quá lớn, vì thế bố mẹ không nên đưa trẻ đến những nơi đông đúc, ồn ào, đặc biệt là các chương trình ca nhạc hay đám cưới.
Mẹ có thể giúp phát triển thính giác cho trẻ bằng cách nói chuyện và miêu tả các sự vật, sự việc hàng ngày với con.
Ví dụ như khi mẹ thấy con chú ý đến tiếng còi của một chiếc xe cấp cứu đi qua nhà, mẹ có thể giải thích với con rằng: “Đó là tiếng còi của xe cấp cứu chở bệnh nhân đến bệnh viện” chẳng hạn.
Kiểm tra tai định kì sẽ giúp bảo vệ thính giác của con tốt hơn
Khi nói chuyện với con, mẹ có thể thấy con rất chú ý đến khuôn mặt của mẹ và nhiều lúc bé còn reo lên thích thú hay ê a cùng câu chuyện mẹ kể, các mẹ thường gọi là “hóng chuyện”.
Vậy khi nào trẻ sơ sinh biết hóng chuyện? Trẻ sơ sinh đã có thể hóng chuyện ngay từ khi sinh ra mặc dù con chưa hiểu hết tất cả những lời bố mẹ nói.
Chính giọng nói, ngữ điệu và biểu cảm khuôn mặt của bố mẹ là điểm thu hút khiến con thích thú và không thể rời mắt khỏi khuôn mặt của bố mẹ.
Nếu thấy con đang hóng chuyện và có dấu hiệu muốn ê a đáp lời, bố mẹ nên để con ê a xong thì lại kể chuyện tiếp để con luôn cảm thấy mình được lắng nghe và bố mẹ hiểu những điều con muốn nói.
Mẹ nên vệ sinh tai nhẹ nhàng và đúng cách cho bé
Cho trẻ sơ sinh nghe nhạc đúng cách cũng là một cách giúp con phát triển thính giác hiệu quả.
Đặc biệt là nếu bạn đã thai giáo bằng âm nhạc cho con thì bạn cũng nên duy trì thói quen cho con nghe những bài nhạc nhẹ trong những năm tháng đầu đời. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể hát ru hay ngân nga những giai điệu ngọt ngào cho con nghe.
Cùng tìm hiểu về thính giác của con và các bài kiểm tra thính giác tại nhà trong từng giai đoạn qua bài viết Sự phát triển thính giác của trẻ mẹ nhé!
Các giác quan ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ?
Sự phát triển các giác quan của bé ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ và ngược lại, sự phát triển thể chất của trẻ cũng ảnh hưởng đến sự phát triển giác quan.
Ví dụ như nhìn thấy một vật ở xa sẽ khiến con muốn di chuyển đến đó để lấy và cố gắng tập bò, hay sự phối hợp giữa tay và mắt sẽ giúp con cầm nắm đồ vật một cách chính xác.
5 giác quan của trẻ đều có vai trò quan trọng như nhau, nhưng nhiều bố mẹ cho rằng thị giác là giác quan quan trong nhất và hỗ trợ các giác quan khác nhiều nhất.
Trẻ sẽ có mong muốn tiếp xúc với đồ vật khi nhìn thấy chúng, nhìn nhận và tìm kiếm nguồn phát ra âm thanh hay mùi hương khi ngửi thấy chúng, nhìn và ghi nhớ đặc điểm chất liệu, hình dáng của đồ vật khi sờ thấy chúng…
Các giác quan của bé phát triển rất mạnh trong năm đầu đời và những gì con nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy sẽ giúp phát triển các vùng của não bộ và ảnh hưởng tích cực đến khả năng nhận thức, ghi nhớ và học tập sau này.
Phát triển giác quan tốt sẽ giúp ích cho khả năng tư duy, ghi nhớ sau này của trẻ
Các chuyên gia cho rằng, trẻ có các giác quan càng nhạy bén sẽ có tốc độ tiếp nhận và xử lý các thông tin từ môi trường càng nhanh, từ đó trẻ sẽ có các hành động tương tác lại chính xác hơn, đặc biệt là trong giao tiếp với những người khác.
Các giác quan giúp tăng cường kỹ năng giao tiếp của trẻ tốt nhất là thính giác và thị giác. Thị giác sẽ giúp con nhận thấy sự vật, sự việc đang được nói tới và nhận biết nét mặt, thái độ của người nói để điều chỉnh giọng nói của mình.
Thính giác sẽ giúp con nghe được các thông tin từ người đối diện, đưa thông tin đến não bộ xử lý, đánh giá và cuối cùng là biểu hiện ý kiến của mình qua hành động hoặc lời nói.
Tìm hiểu thêm thông tin tại bài viết Các giác quan ảnh hưởng thế nào đến sự phát triển của trẻ?
Mùi hương có giúp xoa dịu trẻ sơ sinh
Khứu giác của con đã có thể nhận biết được các mùi hương khác nhau xung quanh ngay từ khi chào đời. Con cũng sẽ bộc lộ thái độ thích thú hay khó chịu với một số mùi hương, ví dụ như con sẽ đặc biệt thích mùi hương của mẹ và luôn muốn được gần gũi với mẹ.
Vậy trẻ mấy tháng biết hơi mẹ? Câu trả lời là ngay từ sau khi được tiếp xúc da kề da sau sinh với mẹ hay khi được mẹ cho bú lần đầu tiên là con đã nhận biết được đây là mẹ mình bằng mùi hương hay mọi người còn gọi là “hơi” mẹ.
Tiếp xúc da kề da sau sinh là khi em bé được đặt nằm sấp lên bụng hoặc ngực mẹ, cơ thể bé và mẹ không có vật gì ngăn cách và lưng bé được đắp một lớp chăn mỏng.
Phương pháp này không chỉ giúp bé nhận biết được mẹ sớm hơn mà còn có rất nhiều lợi ích to lớn khác như giúp ổn định thân nhiệt và nhịp tim của bé, trấn an trẻ…
Các chuyên gia khuyên mẹ nên da tiếp da với con càng sớm càng tốt sau khi sinh
Mùi sữa mẹ cũng là mùi hương yêu thích của bé và mùi hương này chính là “người dẫn đường” giúp con tìm thấy ti mẹ. Vì thế nhiều trẻ không thích và từ chối bú bình vì khi đó con không ngửi thấy mùi hương quen thuộc của mẹ và sữa mẹ.
Nếu mẹ muốn dùng tinh dầu thơm cho trẻ sơ sinh, mẹ cần hết sức cẩn trọng và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Nhiều loại tinh dầu có mùi hương dễ kích thích quá mức khứu giác non nớt của con hoặc dễ gây tổn thương cho làn da của bé nếu tiếp xúc trực tiếp.
Mời mẹ đọc thêm tại bài viết Mùi hương có giúp xoa dịu trẻ sơ sinh.
Tại sao trẻ bỏ mọi thứ vào miệng?
Hành động thường thấy ở trẻ sơ sinh là cái gì bé cũng cho vào mồm, đây không phải là hành vi vô nghĩa ở trẻ mà đó là cách khám phá thế giới của riêng con vì con chưa đủ khả năng để khám phá đồ vật bằng tay.
Vì vậy mẹ nên chú ý không đặt các đồ vật nhỏ dễ gây hóc nghẹn hoặc các đồ vật nguy hiểm khác trong tầm với của trẻ vì con sẽ cho vào mồm bất kì vật gì mà con có thể cầm nắm được.
Con thường mút tay ngón trỏ, ngón cái hay nhiều bé cho cả bàn tay vào mồm khi không có đồ gì để chơi hay khi ngủ.
Đây là cách trẻ tự trấn an và thư giãn cho mình, nếu mẹ lo ngại vấn đề vệ sinh, mẹ có thể thường xuyên rửa tay cho con thay vì cứ chăm chăm rút tay con ra, không cho con ngậm tay.
Mút tay là hành động tự thư giãn và trấn an bản thân của trẻ
Nhiều bé mút miệng khi ngủ thay vì ngậm tay, hành động này cũng là hành động bình thường của con, có thể con đang liên tưởng đến lúc bú mẹ khi đang ngủ.
Nếu bé mút miệng quá nhiều và mẹ lo lắng hành động này ảnh hưởng đến sự phát triển xương hàm của bé thì mẹ nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ hoặc các chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Việc bé không biết cho đồ ăn vào miệng khi ăn dặm bé chỉ huy trong khi vẫn thích cầm đồ chơi cho vào miệng là vấn đề các mẹ cho bé ăn dặm phương pháp này thường gặp.
Nguyên nhân có thể là do mẹ cắt thức ăn quá nhỏ, luộc quá mềm nên trẻ không cầm được hay vừa cầm vào thì đồ ăn đã nát nên con sẽ nghịch thay vì cho đồ ăn vào mồm.
Nếu gặp trường hợp này, mẹ nên tìm hiểu thêm thông tin về cách chuẩn bị thức ăn và cách cho con ăn theo từng giai đoạn của phương pháp ăn dặm bé chỉ huy.
Phát triển thể chất ở trẻ sơ sinh
Phát triển thể chất là vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm hàng đầu khi chăm sóc và nuôi dạy trẻ sơ sinh vì phát triển về thể chất là sự phát triển dễ nhận thấy nhất và là yếu tố quan trọng giúp phát triển các mặt khác như trí não, cảm xúc hay giác quan.
Dấu hiệu trẻ chậm phát triển thể chất dễ nhận biết nhất là trẻ không tăng cân hoặc chậm tăng cân so với tuổi, chậm tăng trưởng chiều cao, chậm phát triển kĩ năng…
Để giúp con phát triển đúng tuổi, bố mẹ nên đảm bảo tốt các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Bé sẽ phát triển thể chất rất nhanh trong năm đầu đời
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ em mà bố mẹ có thể tác động gồm có chế độ dinh dưỡng, chất lượng giấc ngủ, phương pháp giáo dục và môi trường sống.
Sự phát triển của trẻ còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi yếu tố di truyền. Nếu gia đình có tiền sử về vấn đề sức khỏe nào đó thì mẹ nên theo dõi con cẩn thận và thường xuyên đưa con đi khám, kiểm tra sức khỏe định kì.
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Cầm nắm
Câu hỏi trẻ mấy tháng biết cầm nắm có lẽ không làm khó được bố mẹ vì ai cũng nhìn thấy ngay từ giây phút chào đời, trẻ đã nắm chặt bàn tay mọi lúc và có thể cầm nắm rất chắc đồ vật khi được đặt vào tay.
Thế nhưng đó chỉ là phản xạ của bé chứ không phải kĩ năng của trẻ, trẻ thường sẽ biết cách cầm, nắm đồ vật có chủ đích khi được 3-4 tháng tuổi.
Tay trẻ sơ sinh thường có phản xạ nắm chắc khi có kích thích
Đến khi trẻ 4 tháng tuổi nắm chặt tay không còn là hoạt động thường xuyên của tay trẻ nữa, con có thể tự co duỗi bàn tay và mở bàn tay để tự với đồ vật theo ý thích.
Giai đoạn này con mới chỉ cầm được những đồ vật nhỏ và chưa thể cầm từ tay nọ sang tay kia được.
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Kiểm soát đầu
Khi mới chào đời, cổ của bé rất mềm và yếu, chưa thể tự nâng đầu hay quay sang hai bên được.
Sự phát triển của cơ cổ sẽ giúp con kiểm soát được toàn bộ phần đầu của mình và là tiền đề quan trọng cho sự phát triển các kĩ năng khác. Khi con ngóc đầu được, con sẽ có thể tập lẫy, tập ngồi, tập bò và tập đi đứng.
Vậy trẻ mấy tháng biết ngóc đầu? Cổ con sẽ dần cứng và khỏe hơn để có thể ngóc đầu lên một chút vào khoảng cuối tháng tuổi thứ nhất, thời gian con có thể giữ thẳng đầu sẽ tăng dần vào các tháng tiếp theo.
Cổ của bé sẽ dần cứng hơn và có thể ngóc đầu dậy khi nằm sấp
Có thể trẻ sơ sinh ngóc đầu sớm hơn mốc 1 tháng tuổi nếu con được sinh đủ tháng và cơ cổ con được tập luyện sớm để cứng cáp nhanh hơn bằng các bài tập thích hợp.
Mẹ có thể tập cho bé ngóc đầu bằng cách dành thời gian tập bụng cho trẻ sơ sinh (tummy time) bằng cách mà POH sẽ hướng dẫn ở phần sau.
Mời mẹ tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh_Kiểm soát đầu.
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Lẫy
Theo kinh nghiệm dân gian, ông bà ta cho rằng trẻ đã có thể lẫy từ khi 3 tháng tuổi, thế nhưng thực tế không nhiều trẻ biết lẫy khi đến mốc này.
Đọc đến đây bố mẹ sẽ thắc mắc “Thế trẻ mấy tháng biết lẫy là bình thường?”. Đa số trẻ sẽ biết lẫy khi được khoảng 5 tháng tuổi, và trẻ sinh non có thể sẽ biết đến kĩ năng này chậm hơn trẻ sinh đủ tháng.
Có nhiều bé 2 tháng tuổi tập lẫy và mẹ có thể nhìn thấy rõ các dấu hiệu tập lẫy ở con như gồng mình cố gắng nghiêng sang một bên, tay chân cử động mạnh và đầu tì mạnh xuống giường hoặc cố ngó ra đằng sau.
Nếu thấy con có dấu hiệu như vậy, mẹ nên chú ý hơn đến con vì nếu con lẫy được khi không có mẹ, con thể ngã khỏi giường, thậm chí có nguy cơ bị ngạt thở nếu mặt cúi xuống đệm quá lâu.
Cố gắng nghiêng người sang một bên là dấu hiệu tập lẫy của trẻ
Mẹ có thể tập lẫy đúng cách cho trẻ bằng cách nằm cách xa con và nói chuyện, khuyến khích để bé có động lực lẫy về phía mẹ hay thường xuyên tập bụng cho bé để các cơ của con đủ khỏe cho việc lẫy…
Dù tập bài tập lẫy cho trẻ sơ sinh như thế nào, mẹ cũng cần phải chú ý an toàn của trẻ.
Mẹ nên cho trẻ tập lẫy ở giữa giường để tránh việc con lẫy ngã ra ngoài, không để đồ vật nguy hiểm xung quanh khi trẻ tập lẫy và luôn luôn để mắt đến con, không để con nằm một mình.
Mẹ cũng đừng quá sốt ruột làm sao để bé nhanh biết lẫy nếu đã tập mãi mà con cũng nhất định không chịu lẫy.
Có rất nhiều bé bỏ qua kĩ năng lẫy và “nhảy cóc” đến các kĩ năng khó hơn là ngồi hoặc bò, hoặc có thể chỉ là con chưa đến lúc muốn lẫy thôi. Mẹ đừng quá lo lắng và tự tạo áp lực không đáng có cho cả hai mẹ con nhé!
Mời mẹ đọc thêm tại bài viết Trẻ biết lẫy sớm
Tập nằm sấp cho trẻ sơ sinh
Mẹ nên tập nằm sấp cho trẻ sơ sinh ngay từ những ngày đầu tiên, ngay cả khi con chưa rụng rốn. Mẹ có thể cho con tập trên giường, trên sàn nhà với một tấm chăn mỏng lót ở dưới hay cho bé nằm ngay trên người bố hoặc mẹ.
Khi mới tập, mẹ chỉ nên cho con tập khoảng 2-3 phút mỗi lần và 2-3 lần/ngày rồi tăng dần thời gian và số lần tập lên khi con đã quen với việc tập nằm sấp. Việc này sẽ giúp con phát triển các nhóm cơ ở phần thân trên và khả năng kiểm soát đầu.
Tập nằm sấp là bài tập mang lại rất nhiều lợi ích cho con
Mẹ còn có thể tập thể dục cho trẻ sơ sinh bằng các bài tập khác để giúp cơ thể con nhanh cứng cáp hơn, ví dụ như bài tập đạp xe dành cho chân, bài tập di chuyển cánh tay lên xuống và sang hai bên để giúp phát triển cơ cánh tay của con.
Về thời điểm tập nằm sấp, mẹ không nên cho con tập khi con vừa ăn no và khi con đang buồn ngủ để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho con.
Việc tập phản xạ cho trẻ sơ sinh cũng là điều quan trọng mà bố mẹ cần quan tâm để giúp con phát triển một cách toàn diện nhất.
Mời mẹ đọc thêm trong bài viết Tập nằm sấp cho trẻ sơ sinh của POH nhé!
Mọc răng ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh mọc răng khi nào là câu hỏi mà nhiều bố mẹ thắc mắc khi nuôi con nhỏ. Thật ra không có một mốc thời gian nào được coi là “chuẩn” cho việc bắt đầu mọc răng sữa ở trẻ.
Có trẻ 4 tháng mọc răng, có em bé đã có răng ngay từ khi sinh ra nhưng có bé đến 1 tuổi mới nhú chiếc răng đầu tiên. Đa phần trẻ sẽ bắt đầu mọc răng vào giai đoạn 5 tháng tuổi.
Trẻ thường mọc răng cửa hàm dưới đầu tiên
Mẹ có thể nhận biết dấu hiệu trẻ mọc răng sớm qua các biểu hiện của con như con chảy nước dãi nhiều, hay đưa đồ vật vào miệng để cắn và lợi con bị sưng đỏ.
Việc sưng đau lợi này là nguyên nhân làm con khó chịu, chán ăn, biếng ăn, khó ngủ khiến lịch sinh hoạt của bé ở giai đoạn này đảo lộn hoàn toàn.
Vì thế việc bé sưng lợi bao lâu thì mọc răng và chấm dứt các biểu hiện khó chịu trên được bố mẹ rất quan tâm.
Các bé thường sẽ sưng lợi và khó chịu khoảng 3-4 ngày trước khi răng nhú lên mà thôi, hết những ngày này con lại trở lại là em bé vui tươi ngày thường, bố mẹ đừng quá lo lắng nhé.
Mời mẹ đọc thêm tất cả các thông tin tại bài viết Mọc răng ở trẻ sơ sinh.
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Ngồi
Việc bé mấy tháng tập ngồi cũng tùy thuộc vào sự phát triển cơ của bé và đôi khi phụ thuộc vào cân nặng của trẻ.
Đa phần các bé có thể tập ngồi vào khoảng 4-5 tháng tuổi và có thể ngồi kiểu con ếch khi được 5-6 tháng tuổi. Bé quá bụ bẫm có thể sẽ tập ngồi chậm hơn các mốc này.
Những dấu hiệu bé tập ngồi sớm dễ nhận biết là cổ con có thể giữ thẳng và có thể ngóc đầu dậy khi nằm sấp, con đã biết lẫy từ bên này sang bên kia.
Nếu cơ của con chưa đủ cứng cáp, đặc biệt là nếu con chưa thể giữ thẳng cổ thì mẹ không nên tập ngồi cho con.
Thông thường bé không tự ngồi dậy được khi ở tư thế nằm hoặc lẫy lúc mới tập ngồi, nhưng một số bé có thể tự đổi tư thế từ lẫy sang ngồi, điều này là tùy thuộc vào sự phát triển của từng bé.
Nếu đến khoảng 9 tháng tuổi mà con vẫn chưa thể tự ngồi vững được thì mẹ nên hỏi thêm ý kiến bác sĩ về tốc độ phát triển của con.
Bé rất cần sự trợ giúp của mẹ khi mới tập ngồi, sau đó mẹ có thể dần dần giảm sự trợ giúp để con có thể tự ngồi một cách vững vàng
Nói về chuyện ăn dặm, Các chuyên gia khuyên mẹ chỉ nên cho con bắt đầu ăn dặm khi con đã có thể tự ngồi vững, ngồi kiểu con ếch hoặc có thể ngồi với một chút sự trợ giúp từ bố mẹ. Và mẹ nên nhớ luôn cho trẻ ngồi ngay ngắn vào ghế ăn khi ăn.
Nhiều mẹ băn khoăn có nên cho bé tập ngồi sớm để cho con ăn dặm sớm hay không. Nhưng kỹ năng ngồi không đủ để quyết định thời điểm ăn dặm cho bé, đây chỉ là một trong những dấu hiệu quan trọng cho biết bé đã sẵn sàng ăn dặm.
Mẹ còn nên dựa vào tháng tuổi của bé để quyết định, trẻ chỉ nên ăn dặm khi được khoảng 6 tháng tuổi mà thôi.
Thông tin đầy đủ về các mốc phát triển kĩ năng ngồi, cách dạy bé tập ngồi và một số lưu ý khác được POH gửi đến mẹ qua bài viết Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh_Ngồi, mời mẹ tìm hiểu nhé!
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Bò
Câu trả lời cho câu hỏi “Trẻ biết ngồi trước hay bò trước” đã từng làm nhiều bố mẹ băn khoăn là: Trẻ sẽ biết ngồi trước khi biết bò. Tuy nhiên cũng không phải bé nào cũng sẽ phát triển kĩ năng theo trình tự như thế này.
Các bé biết bò sớm có thể bò khi được khoảng 5-6 tháng tuổi, lúc mới bò con sẽ khó mà nâng cao được người mà mẹ sẽ thấy phần bụng con gần như chạm đất và con mới chỉ như đang kéo lê người mà thôi.
Dần dần con sẽ bò thành thạo, chân và tay con sẽ khỏe hơn để nâng hẳn thân người lên song song với sàn nhà.
Mẹ có thể đặt các đồ vật xa hơn tầm với của trẻ để kích thích con tập bò
Mẹ có thể nhận ra dấu hiệu trẻ sắp biết bò bằng cách quan sát cơ thể bé khi con tập nằm sấp, nếu lưng, cổ và đầu con đủ cứng cáp và liên tục ngọ nguậy, không nằm yên như trước nữa thì đó là dấu hiệu cho biết con đã sẵn sàng tập bò.
Cách hỗ trợ bé tập bò quen thuộc là dành thời gian tập nằm sấp cho bé hàng ngày, giúp cơ cổ, lưng, cánh tay của con phát triển cứng cáp hơn.
Khi tập cho con, mẹ có thể đặt đồ chơi con yêu thích xa tầm với của bé một chút để khuyến khích con vươn tay ra và di chuyển người lên để lấy. Mẹ nhớ không đặt các vật nguy hiểm trong tầm với của con khi con tập bò nhé.
Mời mẹ đọc thêm tại bài viết Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh_Bò.
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Tập đứng
Trẻ mấy tháng biết đứng chắc chắn là thắc mắc đầu tiên của bố mẹ khi đọc đến phần này, thông thường con sẽ tập đứng khi được 7-12 tháng và có thể tự đứng mà không cần giúp đỡ vào sinh nhật 1 tuổi.
Những bé sinh non hoặc bụ bẫm hơn có thể sẽ tập đứng muộn hơn mốc này.
Mẹ có thể tập đứng cho bé ngay từ khi con 2-3 tháng tuổi bằng cách giúp con tập các bài thể dục để cơ chân của con cứng cáp hơn, ví dụ như bài tập đạp xe hay giữ hai bên người để con nhún nhảy trên sàn nhà.
Đến khi con được khoảng 7-10 tháng, mẹ có thể tập cho con bằng cách để con bám lên thành giường hoặc ghế dài.
Trẻ mới tập đứng cần bám vào một mặt phẳng vững chắc để giữ thăng bằng
Khi dạy bé tập đứng, mẹ nên dọn dẹp sạch các đồ vật nguy hiểm và trải các tấm đệm mỏng ở xung quanh để đảm bảo an toàn cho con.
Khi bé tập đứng chựng vững, mẹ có thể khuyến khích con bước các bước đi men giường đầu tiên của mình.
Mẹ nên cho con tập đi bằng chân trần trên nền nhà sạch chứ không nên vội đi giầy tập cho con để con cảm nhận rõ nhất cảm giác khi bước đi và giúp giác quan của con phát triển tốt hơn.
Mẹ tìm hiểu thêm về các mốc tập đứng của bé và lời khuyên giúp con tập đứng tốt hơn trong bài viết Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh_Tập đứng nhé!
Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh – Tập đi
Mẹ chỉ nên dạy con tập đi khi con đã đứng chựng vững, không nên tập đi khi con mới chỉ mới biết đứng vịn và chân con còn yếu. Tập đi không đúng thời điểm có thể sẽ ảnh hưởng đến xương của trẻ và khiến con sợ việc tập đi.
Vậy bé đứng chựng bao lâu thì đi? Nếu con đã có thể đứng chựng vững, con sẽ biết đi trong khoảng 1-2 tháng tới, nhiều trẻ thậm chí có thể bước một vài bước đầu tiên ngay sau khi đứng chựng vững vài ngày.
Một số mẹo giúp bé nhanh biết đi thường được các mẹ truyền kinh nghiệm cho nhau đó là cho con đứng lên chân và cùng bước đi với bố mẹ, cho con đi chân đất và cho con chơi cùng các bạn đã biết đi để con nhìn thấy và học theo.
Mẹ nên cho con đi chân đất khi tập đi
Dù tập bài tập giúp trẻ nhanh biết đi nào thì mẹ cũng không nên cho con tập khi con đang buồn ngủ, vừa ăn no hoặc khi con có dấu hiệu cáu kỉnh, mệt mỏi và chỉ nên tập 5-10 phút mỗi lần để các cơ non nớt của con có thời gian nghỉ ngơi.
Bé mới tập đi sẽ rất dễ ngã vì con chưa biết cách giữ thăng bằng tốt, vì thế mẹ nên trải thảm xốp xung quanh chỗ con tập đi và luôn để mắt đến con để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nếu con ngã nhẹ và con có thể tự ổn định tinh thần được, mẹ nên động viên và cổ vũ để con tiếp tục tập luyện chứ không nên quá sốt ruột bế con lên, điều này cũng giúp hình thành tính tự lập cho trẻ ngay từ bé.
Mời mẹ đọc thêm tại bài viết Sự phát triển kỹ năng của trẻ sơ sinh_Tập đi.
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!