Dọa sinh non là gì? 5 dấu hiệu dọa sinh non cần nhập viện!

Trong thời gian mang thai, cơ thể bạn sẽ có nhiều sự thay đổi nhưng nếu thấy có các dấu hiệu dọa sinh non sau thì cần nhập viện ngay:

  1. Đau bụng từng cơn, tức nặng bụng dưới, có thể kèm tiêu chảy
  2. Đau lưng liên tục, âm ỉ, có cảm giác đau theo chu kỳ dù trước đây bạn không hề bị đau lưng
  3. Ra máu âm đạo hoặc tăng tiết dịch âm đạo
  4. Dịch âm đạo bất thường: loãng như nước (có thể do rò rỉ ối), xuất hiện chất nhầy như thạch và có lẫn máu.
  5. Cơn co thắt tử cung xuất hiện với tần suất đều đặn 2 cơn/10 phút, thời gian co cứng dưới 30 giây và không có dấu hiệu giảm khi thay đổi tư thế. Cổ tử cung đóng hoặc mở dưới 2cm.

Ở tam cá nguyệt thứ 2 và tam cá nguyệt thứ 3, bà bầu cũng sẽ thường xuyên cảm nhận được các cơ co thắt do các cơn đau chuyển dạ giả hay còn gọi là cơn gò Braxton-Hicks để làm mềm và mỏng cổ tử cung nhằm chuẩn bị cho việc sinh nở.

Khác với cơn gò dọa sinh non, những cơn gò chuyển dạ giả này thường xảy ra không đều, cơn đau thường tập trung nhiều ở vùng bụng dưới và có thể biến mất khi bạn thay đổi tư thế hoặc hoạt động.

Nếu các cơn co thắt tử cung của bạn có những đặc điểm này và không có bất cứ triệu chứng bất thường nào khác thì bạn đừng quá lo. Đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường chứ không phải là dấu hiệu dọa sinh non.

Mẹ bị dọa sinh non phải làm sao?

Nếu phát hiện có các dấu hiệu dọa sinh non kể trên, tốt nhất bạn nên đi bệnh viện ngay. Khi đến bệnh viện, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện siêu âm đầu dò âm đạo hoặc chụp cắt lớp để:

  • Đo tim thai và cơn co tử cung
  • Kiểm tra xem cổ tử cung đã mở hay chưa
  • Quan sát các cơn co thắt.

Các tiêu chuẩn để chẩn đoán dọa đẻ non là:

  • Có 4 cơn co tử cung trong 20 phút hay 8 cơn co trong 60 phút
  • Cổ tử cung mở bằng hoặc hơn 2cm
  • Có sự thay đổi ở cổ tử cung
  • Vỡ ối.

dọa sinh non

Nếu là dọa sinh non, bác sĩ có yêu cầu nhập viện điều trị. Nếu đang mang thai trong khoảng thời gian từ 24 đến 34 tuần, bạn có thể được cho sử dụng các loại thuốc để cắt hoặc giảm cơn co thắt như nifedipine hoặc salbutamol.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể được tiêm 2 mũi steroid cách nhau 12 giờ để thúc đẩy sự trưởng thành ở phổi của trẻ sinh non nhằm giảm nguy cơ bé bị suy hô hấp sau sinh.

Phụ nữ mang thai dưới 30 tuần và có nguy cơ sinh non có thể được điều trị bằng magie sulphat thông qua tiêm tĩnh mạch trong 24 giờ để cải thiện cơ hội sống sót và giảm nguy cơ biến chứng sơ sinh.

Nếu các biện pháp ức chế chuyển dạ không thành công, bác sĩ có thể chỉ định mổ lấy thai.

Có thể bạn quan tâm: Thai bao nhiêu tuần thì sinh an toàn, không được coi là sinh non?

Lưu ý về dinh dưỡng và sinh hoạt để phòng ngừa sinh non

Sinh non là một tình trạng nguy hiểm, trẻ sinh ra quá sớm sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ. Để phòng ngừa sinh non, bạn sẽ cần lưu ý một số vấn đề sau về dinh dưỡng, sinh hoạt:

  • Tư thế nằm khi bị dọa sinh non: Tư thế nằm ngủ tốt nhất cho phụ nữ mang thai là tư thế nằm nghiêng bên trái. Nguyên nhân là do tư thế này có thể giúp cải thiện tuần hoàn bằng cách ngăn áp lực của tử cung đè lên các tĩnh mạch, lưng và các cơ quan nội tạng. Từ đó, giúp máu và các chất dinh dưỡng quan trọng được đưa đến nhau thai dễ dàng.
  • Dọa sinh non nên ăn gì? Ăn uống đầy đủ, khoa học với các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Cụ thể, bà bầu cần ăn nhiều rau củ, trái cây, các loại thịt, trứng, sữa, các thực phẩm từ sữa, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt… để bổ sung axit folic, canxi, protein và các loại vitamin như vitamin A, vitamin D…
  • Bị dọa sinh non cần kiêng gì? Bạn nên tránh bỏ bữa, tránh dùng rượu, bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích. Tránh quan hệ tình dục bởi cơn gò tử cung có thể xuất hiện sau khi bạn đạt khoái cảm.

Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý nghỉ ngơi nhiều, tránh làm việc nặng hoặc làm việc quá căng thẳng, nhất là với những thai phụ có nguy cơ sinh non cao.