4 loại Gap year phổ biến

Việc quyết định tạm nghỉ 1 năm sau một thời gian dài phấn đấu trong học tập hay công việc hiện không còn quá xa lạ với các bạn trẻ Việt Nam. Nếu bạn đang có ý định thực hiện gap year thì có thể tham khảo một số gợi ý hay ho của Hotcourses Vietnam trong bài viết này.

Gap year là gì?

Gap year thường là 12 tháng mà bạn quyết định “nghỉ giữa hiệp” sau một quá trình học tập hay làm việc để thực hiện những kế hoạch khác so với thường ngày. Mặc dù có ý nghĩa bề mặt là “nghỉ ngơi” nhưng thực ra bạn sẽ được “làm” nhiều thứ trong khoảng thời gian ít vướng bận này. Đối tượng gap year nhiều nhất có lẽ là sinh viên cuối cấp 3, trước khi vào Đại học. Tiếp theo là lực lượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn gia nhập vào thế giới việc làm ngay lập tức mà dành thời gian cho những thú vui và đam mê của bản thân. Tóm lại, gap year là một khoảng dừng chân giữa trường cấp III và Đại học, giữa Đại học và công việc hay giữa những lần nhảy việc trong sự nghiệp của bạn.

>> Gap year, năm học thứ 13 của tình nguyện và trải nghiệm

>> 5 lý do bạn nên đi du lịch sau khi tốt nghiệp Đại học

4 loại gap year phổ biến

1. Làm một công việc bạn đã nhắm đến từ lâu

Nếu bình thường bạn đi làm với mục đích chính là kiếm tiền trang trải cuộc sống thì trong khoảng thời gian gap year bạn sẽ ưu tiên vị trí công việc cao hơn mức lương nhận được. Thậm chí bạn có thể chọn làm việc không nhận lương để trải nghiệm môi trường mình mong muốn. Lựa chọn này phù hợp cho cả học sinh vừa tốt nghiệp cấp 3 lẫn người đã đi làm một thời gian. Với học sinh cấp 3, bạn sẽ được cọ xát với môi trường làm việc thực tế để thực sự biết mình thích gì. Còn với người đã đi làm, bạn nên tận dụng cơ hội này để tìm hiểu một lĩnh vực mới nếu có mong muốn chuyển ngành. Nếu không thì bạn hoàn toàn có thể chọn làm một công việc bình thường ít phải suy nghĩ vì các công việc trước khiến bạn quá đau đầu.

2. Trở thành tình nguyện viên

Trải qua một năm trời làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng cộng đồng, cho phép xây dựng mạng lưới quan hệ và có thể hứa hẹn mang đến bạn một công việc có trả lương về lâu về dài. Những công việc tình nguyện thường được đăng tuyển bởi các tổ chức từ thiện, các dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ,… Các vai trò phổ biến gồm có hành chính, gây quỹ, tổ chức sự kiện, chăm sóc, chơi đùa với trẻ, pháp lý, giảng dạy, bảo tồn và cả thám hiểm. Nếu muốn đi làm từ thiện ở nước ngoài, bạn nhớ ngó nghiêng các chương trình thực tập quốc tế. Một số chương trình có thể sẽ đòi hỏi một khoản tiền tham gia, còn một số chương trình khác sẽ hoàn toàn “miễn phí”.

3. Đặt chân đến bất cứ nơi nào bạn muốn

Không ít người lựa chọn dành ra một năm trời để du hí một mình vì ít ai tìm được bạn đồng hành cùng chí hướng cho cả một năm. Tùy vào ngân sách và mong muốn mà bạn có thể chọn du lịch nội địa hoặc nước ngoài. Nếu bạn có dự định vừa du lịch vừa làm việc để có kinh phí cho chuyến đi thì lựa chọn du lịch nội địa sẽ tốt hơn vì thị thực du lịch ở nước ngoài thường không cho phép bạn làm việc hợp pháp. Việc đi du lịch trong nước còn giúp bạn tiết kiệm chi phí di chuyển và đỡ tốn công trong việc chuẩn bị nhiều thứ như thị thực hay ngoại ngữ.

>> Việc làm và công việc tình nguyện của du học sinh New Zealand

>> Tâm sự của một tình nguyện viên Việt Nam ở Nhật: Mình đi học ở đâu?

4. Học một môn chỉ vì bạn thích

Trước giờ bạn học cái gì hầu hết đều do sự sắp đặt của người khác hoặc là để kiếm tiền nên trong thời gian gap year bạn có thể đăng ký học một môn đơn giản vì bạn thích. Chẳng hạn như bạn có thể đăng ký học chơi ghi-ta, võ tự vệ, cắm hoa, vẽ tranh, nấu ăn, bình luận phim,… Nói như vậy không có nghĩa bạn muốn học một lớp để nâng cao nghiệp vụ là không phù hợp. Bạn hoàn toàn có thể đăng ký một khóa học ngắn hạn từ 6 tháng đến 1 năm, ở Việt Nam hay nước ngoài, để bổ trợ kiến thức cho ngành nghề mà mình đang theo đuổi.

>> Các khoá học ngành Du lịch, Nhà hàng & Khách sạn

>> Chọn một khoá học tiếng Anh để hỗ trợ cho kế hoạch Gap Year

Tạm kết

Dù bạn có chọn con đường gap year nào đi nữa thì vẫn phải đảm bảo yếu tố tài chính cho cuộc sống của mình. Đối với những bạn đã đi làm có thể tự dành dụm tiền bạc thì quá tốt. Còn các bạn học sinh vừa hoàn thành xong cấp ba nhưng gia đình lại không ủng hộ về mặt tài chính cho việc gap year thì Hotcourses Vietnam khuyên bạn nên dời kế hoạch gap year đến lúc bạn hoàn toàn độc lập về tài chính. Bên cạnh đó, việc bạn cần làm gì sau khi gap year cũng rất quan trọng nên bạn hãy lên kế hoạch thật kỹ để luôn có thể tự làm chủ cuộc sống của mình.

Bài được điều chỉnh và viết lại bởi Do An Khang vào ngày 29 tháng 06 năm 2021.