Các tác phẩm văn học đương đại việt nam

Sự khởi sắc của truyện ngắn Việt Nam đương đại (từ 1980 – 2010)

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành

Văn học Việt Nam sau năm 1986 đã có nhiều chuyển biến theo nhịp điệu đổi mới của cuộc sống. Ý thức cá nhân sau một thời gian dài tạm nhường cho ý thức cộng đồng, tập thể trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã hòa nhịp trở lại với văn học nghệ thuật. Nói đến ý thức cá nhân là nói đến toàn bộ sự tồn tại của con người trong những mối quan hệ với những nhu cầu vật chất, tinh thần, tình cảm, thẩm mỹ. Song sự tồn tại nhu cầu ý thức cá nhân có lúc phụ thuộc vào điều kiện lịch sử xã hội cụ thể nhất định nên đôi khi con người chỉ còn là công cụ cho những giá trị trừu tượng (quan niệm văn dĩ tải đạo tạo nên tính phi ngã trong văn học trung đại). Và chính yếu tố này đã hạn chế sức sáng tạo, cá tính của người nghệ sĩ. Con đường hiện đại hóa văn học Việt Nam theo Trần Ngọc Hồng, trong Ý thức cá nhân và hiện đại hóa văn học Việt Nam là sự nối tiếp truyền thống văn dĩ tải đạo “Nó vừa biểu hiện sự dân chủ hóa trong văn học, vừa biểu hiện của tư tưởng nhân đạo. Đó là toàn bộ giá trị của cái mà chúng ta gọi là vai trò của ý thức cá nhân trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.”.

Sự khởi sắc của truyện ngắn Việt Nam đương đại (từ 1980 - 2010)

Nếu như văn học trung đại, cái đẹp gắn liền với những chuẩn mực đạo đức của cộng đồng, văn học sau 1945 cái đẹp là sức mạnh của tập thể, của tinh thần yêu nước, thì trong văn học sau những năm 80 của thế kỷ XX, lý tưởng thẩm mỹ gắn liền với nhu cầu cá thể. Văn học phản ánh những ngăn ngõ sâu thẳm trong tâm hồn con người, trong tính nhân bản. Nếu như Karl Max đã khẳng định: “Tôi là con người, và không có cái gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi”, văn học hiện đại tuân thủ theo sự vận động của quy luật đời thường, cái tôi cá nhân phải tái hiện trong văn chương để trở thành một thuộc tính, một đặc thù của văn chương trong nhận thức chủ quan lẫn khách quan của chủ thể sáng tạo, nhà nghệ sĩ.

Bước đánh dấu của thời kỳ đổi mới văn học hiện đại Việt Nam chính là ý thức cá nhân tham gia vào tiến trình vận động của văn chương. Văn học không chỉ là bức tranh sinh động phản ánh đời sống xã hội đơn thuần mà văn học còn là mạch cảm xúc của nhà nghệ sĩ để tạo nên nhiều sắc màu cuộc sống, tâm linh con người. Văn học không chỉ làm nhiệm vụ đồng hóa hiện thực theo ý thức thẩm mỹ mà còn khắc tạc lên một khoảnh khắc đời sống cá nhân, một tâm trạng, một lịch sử đời người với những nét riêng lẻ không trùng lắp và vai trò ý thức cá nhân được biểu hiện sâu sắc với tư cách là những điển hình văn học.

Nền văn học hiện đại gắn liền với nhu cầu khẳng định của ý thức cá nhân trong đời sống mỗi một con người. Dennis Lim, trong The Village Voice đã nhận định về Haruki Murakami, tác giả của Rừng Na Uy nổi tiếng: “Murakami từ lâu đã bị ám ảnh với những thực tại nằm dưới tầng sâu kín; những câu chuyện của ông thường quanh co trong những địa tầng của thể xác và tâm lý. Và tại cái nhân tĩnh lặng của cuốn tiểu thuyết tầng tầng lớp lớp nhất của ông là một mệnh lệnh bất di bất dịch: Mang ý nghĩa tới cho sự vô nghĩa.” [51, trang bìa]. Như vậy vai trò con người cá nhân được nhìn nhận ở đối tượng phản ánh, chủ thể phản ánh, công chúng độc giả.

Trong sự chuyển mình văn học Việt Nam sau 1986, truyện ngắn thật sự khởi sắc, theo xu hướng vận động mới, theo bước chuyển của đời sống xã hội và ý thức cá nhân con người. Truyện ngắn Việt Nam cuối thế kỷ XX dần thoát khỏi lớp vỏ sử thi, những nhân vật, những câu chuyện phát triển theo hướng tiếp cận đời sống xã hội, con người tự do hơn trong bộc lộ tư tưởng đời sống. Truyện ngắn nhanh chóng tiếp cận xu hướng đổi mới, hoà nhập những đổi mới của xã hội hơn là tiểu thuyết. Mặc dù độ kết tinh ở tiểu thuyết đậm đặc hơn nhưng đòi hỏi thời gian khá dài, ngược lại truyện ngắn tiếp thu tư tưởng, hình thái mới rất nhanh và rất dễ tiếp cận những vấn đề nóng của đời sống xã hội. Sau Đại hội Đảng lần thứ VI, đất nước bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều thành tựu trên lĩnh vực kinh tế xã hội đã từng bước nâng cao đời sống con người, nâng cao tầm nhận thức cũng như suy nghĩ tình cảm con người. Truyện ngắn trong buổi đầu đổi mới đi vào các vấn đề tiêu cực của xã hội. Nguyễn Quang Sáng viết Nhi đồng cụ, Lê Văn Nghĩa với Chuyện như đùa … Sau hàng loạt các tác phẩm chống tiêu cực, truyện ngắn hiện đại Việt Nam chuyển hướng sang cảm hứng phê phán. Nguyễn Huy Thiệp viết Tướng về hưu, Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền, một số truyện ngắn của Phạm Thị Hoài…

Truyện ngắn Việt Nam bước vào cuộc sống đương đại đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú và phức tạp của con người. Truyện ngắn phản ánh muôn mặt của đời sống xã hội, từ những vấn đề truyền thống, lịch sử (Nguyễn Ngọc Tư – Ngọn đèn không tắt, Nguyễn Thế Hùng – Người giữ cồn, Nguyễn Huy Thiệp – Phẩm tiết…), đề tài xã hội đương đại (Nguyễn Huy Thiệp – Không có vua, Nguyễn Bình Phương – Thế giới của Kim, Hồ Anh Thái – Chín Triệu, Ba Triệu, Hai Triệu và Bóng rổ, Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận…), đề tài tình dục (Phạm Thị Hoài – Man nương, Đỗ Hoàng Diệu – Bóng đè…). Đặc biệt, truyện ngắn đề cập đến sự suy đồi đạo đức, sự tha hoá của con người trong cuộc sống nghiêng ngã của thời kinh tế thị trường (Nguyễn Huy Thiệp – Không có vua, Hồ Anh Thái – Cây hoàng lan hoá thành cây si, Nguyễn Quang Thân – Vũ điệu của cái bô…). Một số truyện ngắn đi vào đề tài triết lý, suy ngẫm (Phan Thị Vàng Anh – Khi người ta trẻ, Nguyễn Ngọc Tư – Sầu trên đỉnh Puvan…). Trong đề tài tình yêu, thường là sự đổ vỡ, kết thúc trong bi kịch (Tạ Duy Anh – Đêm hoá thạch, Phạm Hải Anh – Lạc…). Truyện ngắn hiện đại quan tâm đến những khao khát của con người về vật chất lẫn tinh thần (Y Ban – Đất ải, Nguyễn Việt Hà – Vẫn chỉ là mây trắng, Nguyễn Thế Hùng – Ngược sáng…).

Truyện ngắn Việt Nam hiện đại vận động theo hướng tiếp cận đời sống, gần gũi với con người thực tại, đi sâu vào khai thác giá trị nhân văn, những thuộc tính nhân bản của con người là một bước chuyển tích cực của văn học sau thời kỳ Đổi Mới.

Sự chuyển mình của nền kinh tế xã hội Việt Nam những thập niên 80 của thế kỷ XX tạo bước ngoặt mới cho truyện ngắn Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Truyện ngắn đương đại Việt Nam đã tạo sự thu hút độc giả trong thời kỳ mà nền văn hóa nghe nhìn lấn át dần nền văn hóa đọc. Khi tư duy tiểu thuyết thay dần tư duy sử thi, cảm hứng sáng tác từ ca ngợi, khẳng định sang suy tư, trải nghiệm. Con người thiện – ác rạch ròi được thay bằng con người đa chiều phức hợp. Xu hướng tiểu thuyết hoá truyện ngắn đã trở thành hiện tượng văn học tạo bước phát triển cho truyện ngắn, giúp truyện ngắn gần gũi với đời sống hiện thực, tiếp cận độc giả.

Có thể kể bắt đầu từ Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành đã tạo bước chuyển mới cho truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam nói chung – một trào lưu văn học mang đậm tính nhân văn. Những nhân vật vốn trước đó còn khoác áo sử thi đã dần cởi lớp huyền thoại để đến với cuộc sống đời thường với đầy đủ “rồng phượng lẫn rắn rết” (Nguyễn Minh Châu – Bức tranh). Văn học đi vào chiều sâu nhân bản. Đến những năm đầu 90 của thế kỷ XX, hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp khai thác hướng nhìn con người trần tục hơn, thực tế hơn mang dấu ấn của nền văn học hậu hiện đại trong xu thế chung của văn học thế giới thời kỳ hội nhập.

Văn học hậu hiện đại là trào lưu văn học Phương Tây được bắt đầu từ sau thế chiến II, đạt đến đỉnh cao vào những năm 70 của thế kỷ XX. Các nhà văn hậu hiện đại chủ trương sử dụng những hình thức mới lạ để phản ánh những vấn đề của con người trong xã hội hậu công nghiệp, đó là sự phân mảnh trong cấu trúc tác phẩm, phá vỡ tuyến tính, khai thác bản năng con người ở chiều sâu tâm lý và những nhu cầu sinh lý. Trong văn học hậu hiện đại, có sự gia nhập yếu tố huyền thoại, tính chất bình dân trong sử dụng ngôn ngữ, phá vỡ những quy phạm của văn học. Những nhà văn hậu hiện đại thể hiện sâu sắc sự đổ vỡ, sợ hãi, mất thăng bằng của con người và nhất là sự hoài nghi những giá trị vốn được xem là chân lý. Nguyễn Huy Thiệp với Phẩm tiết, Đỗ Hoàng Diệu với Bóng đè, Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền… Truyện ngắn khám phá thế giới vô thức ẩn chứa trong lớp vỏ nhân cách để nhận định con người một cách chính xác nhất, trung thực nhất và trần tục nhất. Hãy đọc một đoạn đối thoại của Nguyễn Huy Thiệp: “Nhà vua bảo: Thế là Huệ dại, Huệ trọng tinh thần mà bỉ thể xác. Thành hỏi: Bệ hạ muốn dùng Vinh Hoa ở phần tinh thần hay thể xác? Nhà vua bảo: Làm đến đại tướng còn ngu. Bậc đế vương muốn giữ nước là ở tinh thần, còn giữ mình là ở thể xác. Thành lắc đầu rồi lui ra”.

Truyện ngắn Việt Nam hiện đại đề cập các phương diện tồn tại con người, đặt con người trong tương quan rộng, trong nhiều mối quan hệ. Con người trong truyện ngắn không chỉ tồn tại ở góc độ đạo đức, chính trị, mà con người con được quan sát ở góc độ tâm linh, kết hợp với yếu tố huyền ảo, khai thác hướng tiếp cận Phân tâm học… Con người trong mối quan hệ dằn xé giữa lý tưởng cao cả và khát vọng đời thường, giữa lý trí và tình cảm, giữa bản năng và giá trị đạo đức, giữa cá nhân và cộng đồng… tạo một thời kỳ mới của văn học Việt Nam.

Nếu trong buổi đầu thời kỳ đổi mới, văn học tập trung vào đề tài chống tiêu cực, phanh phui những mặt bất toàn của cuộc sống, sự suy thoái đạo đức, sau đó văn học chuyển sang sáng tạo hình thức mới theo hướng cách tân nghệ thuật ở một số nội dung sau:

– Gia tăng tính triết lý, khơi gợi sự suy ngẫm về kiếp người cho truyện ngắn (Nguyễn Ngọc Tư – Gió lẻ, Nguyễn Quang Sáng – Tôi thích làm vua, Phan Thị Vàng Anh – Khi người ta trẻ…).

– Phá bỏ nguyên tắc mô tả hiện thực bằng hình thức của bản thân hiện thực, khai thác yếu tố kỳ ảo, viễn tưởng (Nguyễn Huy Thiệp – Huyền thoại phố phường…).

– Thể nghiệm những vấn đề giới tính, tình dục, làm phép thử những nhu cầu con người (Phạm Thị Hoài, Đỗ Hoàng Diệu…)

Truyện ngắn thời kỳ đổi mới khai thác cái riêng tư để khám phá con người ở nhiều góc cạnh tạo nên tính đa dạng và phức tạp.

Truyện ngắn không chỉ tái tạo hiện thực như nó vốn có mà còn là phải sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật, khám phá những gì ẩn khuất trong tâm hồn con người. Trong hướng tiếp cận đời sống, truyện ngắn hiện đại đem đến cho độc giả một sự hoài nghi về những giá trị định sẵn, về những khuôn mẫu trong cái trật tự vĩnh hằng của hiện thực. “Đọc truyện ngắn hiện đại người ta bắt gặp nhan nhản những cái phi lý, vớ vẩn và nhố nhăng thậm chí là giả dối và bịa đặt nhưng người ta vẫn cứ tin rằng những cái đó là có thật hoặc ít ra người đọc cũng luôn phải tự đặt ra cho mình câu hỏi về sự tồn tại của chúng. Điều đó không hề có trong truyện ngắn truyền thống. Truyện ngắn truyền thống là một nhát cắt ngọt, gọn gàng, hàm súc về quãng lặng, nốt lửng trong tiến trình phát triển của sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực của con người. Nhưng dù sao đấy cũng chỉ là một nhát cắt, một cách nhìn về thế giới hiện thực, không cho phép con người tiến sâu hơn vào bản chất sự vật, hiện tượng và biết thêm bất cứ điều gì về một thế giới nằm ngoài, đứng sau và treo lơ lửng bên trên hiện thực đó. Đấy là giới hạn mà truyện ngắn truyền thống không thể vượt qua. Như vậy phải chăng sứ mệnh lịch sử của nó đã hết, cần phải được thay thế bằng một cảm quan nhận thức thế giới mới theo hướng bứt phá để thoát ra, vượt lên, lùi lại, đi vòng đến một thế giới thứ hai – phi hiện thực, ngõ hầu có thể tìm kiếm được cơ hội nhận thức về thế giới thứ nhất – hiện thực, một cách sáng rõ và đầy đủ hơn.”.

Không nhìn đời sống bằng đôi mắt sử thi, các nhà văn hiện đại nghiêng về quan sát cuộc sống từ góc độ thế sự – đời tư. Quan tâm đến số phận con người, đặt con người trong mối quan hệ con người – thiên nhiên, con người – vũ trụ, con người – cuộc sống xã hội. Từ sự cảm quan về thân phận bé nhỏ của con người (Nguyễn Ngọc Tư – Cánh đồng bất tận…), truyện ngắn quan tâm đến số phận con người, đến những khát vọng trong cuộc sống, tiếp cận triết lý nhân sinh, suy ngẫm về sự tồn tại của con người nói chung và cuộc đấu tranh giữa thiện – ác, giữa tích cực – tiêu cực, giữa khát vọng – thực tiễn. Truyện ngắn càng ngày càng mở ra bề rộng của cuộc sống và khai thác bề sâu nội tâm con người.

Văn học sau 1986 tiếp tục quan sát con người theo hướng Phân tâm học. Thực chất của việc vận dụng những yếu tố phân tâm học vào sáng tác, các nhà văn trẻ đã vận dụng những yếu tố tích cực Phân tâm học của S. Freud như một thủ pháp nghệ thuật để xây dựng tác phẩm và tạo những cách tân quan trọng về thi pháp và hiệu quả nghệ thuật, nhằm thể hiện nội dung xã hội và tâm lý con người một cách tinh tế và đa dạng; đồng thời thể hiện sự cách tân thi pháp, phù hợp với tầm đón nhận của độc giả thời hiện đại. Tiêu biểu cho giai đoạn này là Không có vua – Nguyễn Huy Thiệp, Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ, Bóng đè – Đỗ Hoàng Diệu, Cánh đồng bất tận – Nguyễn Ngọc Tư, Vũ điệu của cái bô – Nguyễn Quang Thân, Đêm hoá thạch – Tạ Duy Anh, Người sót lại của rừng cười – Võ Thị Hảo… đã tiếp cận Phân tâm học tạo nên thành công nhất định phản ánh cuộc sống tâm lý của từng cá nhân đa dạng, biến ảo. Từ điểm tựa Phân tâm học, các tác giả thể hiện thế giới nội tâm phức tạp của con người trong từng hoàn cảnh cụ thể, thời điểm cụ thể. Điều đó chứng tỏ sức sáng tạo của nhà văn trong hướng tiếp cận đời sống xã hội, biên độ phản ánh trong văn học được mở rộng hơn, tạo sự gần gũi trong tiếp cách tiếp cận.

Hồ Thế Hà, trong Hướng tiếp cận từ Phân tâm học trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975, có nhận định: “…Trong dòng chung của truyện ngắn hiện đại Việt Nam 1975 -2005, tạo ra những tích hợp nghệ thuật mới, làm hiện lên bức tranh cuộc đời đầy đa đoan và phức tạp. Và quan trọng hơn là tạo ra tính hiện đại cho truyện ngắn 1975-2005 với các kiểu thể hiện theo “dòng ý thức”, “cách viết tự động”, lắp ghép kiểu điện ảnh, và phần nào vận dụng đến yếu tố trực giác, ấn tượng, huyền ảo, tâm linh, vô thức, tiềm thức để khắc hoạ tính cách và tâm lý nhân vật vi tế và đa dạng hơn, phù hợp với cấu trúc nội tâm và con người hiện đại. Đó là điều đáng ghi nhận của văn học nói chung và truyện ngắn sau 1975 nói riêng. Chúng ta có quyền hy vọng vào sự phát triển trên cơ sở phá và thay của các tác giả trẻ với trình độ điêu luyện hơn, hoàn hảo hơn. Và vì vậy, Phân tâm học vẫn đang là thành tựu chưa kết thúc. Nó đang hướng về đường chân trời của những thể nghiệm mới.”

Sự cách tân nghệ thuật trong truyện ngắn hiện đại còn thể hiện ở mặt hình thức như sau:

– Về kết cấu: thể nghiệm mới về kết cấu đôi lúc không nhất thiết phải có cốt truyện, các sự vật, sự việc đôi khi không theo trật tự tuyến tính. Truyện ngắn Không có chứng minh thư của Nguyễn Quang Thiều là sự tổng lớp những lời đối thoại của hai nhân vật tạo nên truyện. Thế giới của Kim của Nguyễn Bình Phương đơn giản chỉ là sự xung đột nội tâm trong một giây phút lắng đọng tâm hồn. Sự tiếp cận văn hoc hậu hiện đại, tạo nên sự phá cách trong kết cấu không theo quy luật truyền thống, không mang tậm tính tự sự mà đi sâu vào thể hiện cảm xúc đôi lúc tản mạn, vụn vặt (Man nương của Phạm Thị Hoài, Bốn khúc một bản tình ca của Hồ Anh Thái, Đi của Nguyễn Bình Phương…). Đôi khi kết cấu truyện ngắn cũng chỉ là lắp ghép các đời sống trong logic nội tại (Gió lẻ – Nguyễn Ngọc Tư…) phá vỡ kết cấu tuyến tính của văn học truyền thống.

– Về hình tượng nhân vật: Trong văn học truyền thống, hình tượng nhân vật giàu tính chất điển hình cho tầng lớp xã hội. Chị Dậu (Ngô Tất Tố), Lão Hạc, Chí Phèo, Thứ (Nam Cao)… là những con người đại diện cho tầng lớp bị trị của xã hội nửa thực dân phong kiến; Nguyệt, Lãm (Nguyễn Minh Châu) là những người điển hình của chủ nghĩa anh hùng ca cách mạng đầy chất lãng mạn của tuổi trẻ thời chống Mỹ… Mỗi nhân vật gắn liền với thời điểm lịch sử cụ thể, là người phát ngôn của tầng lớp xã hội. Đến văn học sau những năm 1980, nhân vật tập trung ở lời của con người chứ không của cộng đồng, tập thể; suy nghĩ tình cảm của con người là con người cá thể. Chính vì thế, nhà văn không cần mô tả những nhân vật trong không gian, thời gian lịch sử cụ thể. Truyện ngắn sau 1986 đôi khi mang tính phi lịch sử (Sầu trên đỉnh Puvan, Cải ơi – Nguyễn Ngọc Tư, Bản lĩnh đàn ông – Phan Thị Vàng Anh…).

– Về giọng điệu truyện ngắn có nhiều biến đổi. Truyện ngắn hiện đại không mang đậm chất tự sự nên giọng điệu không mang nhiều chất giọng kể thuần tuý, có thể thiếu tính nghiêm trang của văn học trước đó. Truyện ngắn hiện đại giàu sắc thái giọng điệu: giễu cợt (Cây hoàng lan hoá thành cây si – Hồ Anh Thái), giọng điệu trữ tình, ngậm ngùi, sâu lắng (Người sót lại của rừng Cười – Võ Thị Hảo), giọng điệu triết lý của Phan Thị Vàng Anh, giọng điệu hằn học của Nguyễn Huy Thiệp… Sự đa dạng về giọng điệu đánh dấu bước trưởng thành về hình thức, truyện ngắn không còn là tuyên ngôn chính trị bằng ngôn ngữ văn học mà đa tầng, đa thanh trong cuộc sống muôn màu.

– Về ngôn ngữ: Văn học sau 1986 gần gũi, đi vào cuộc sống đời thường và sử dụng ngôn ngữ đời thường, cách nói của đời sống được đưa vào văn học thật tự nhiên. Ngôn ngữ văn xuôi trước đây mang tính quy chiếu nên có phần trang trọng nhưng xa vời, khuôn sáo. Ngôn ngữ văn xuôi hiện đại muốn phá bỏ mẹo luật cũ, ngôn ngữ pha lẫn phim ảnh, đời sống. Ngay cả tên tác phẩm cũng rất gần gũi, lột bỏ lớp mỹ từ và đôi khi nhan đề rất giản dị, dung tục đến thô kệch: Đi, Ngồi của Nguyễn Bình Phương…

Ba mươi năm (1980 – 2010), một chặng đường văn học với biết bao biến đổi, truyện ngắn Việt Nam có những bước chuyển mình và phát triển vượt bậc về nội dung lẫn hình thức để hình thành diện mạo mới cho văn học đương đại Việt Nam.

Nguyễn Văn Thành

(2011)