Từ thuở dựng nước, dân tộc Việt quần cư trên vùng đất không rộng, thường xuyên gánh chịu nhiều thiên tai, lại ở bên cạnh nước láng giềng lớn hơn gấp nhiều lần, luôn tìm cách gây hấn, chèn ép, đe dọa và xâm lấn. Đứng trước sự tồn vong của mình, người Việt buộc phải chung lưng đấu cật, sẵn sàng đương đầu chống giặc ngoại xâm. Trong tư thế và tâm thế như vậy, dân tộc Việt đã sáng tạo một hệ thống chiến đấu đặc dị: lấy đoản binh thắng trường trận, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh.
>> Độc đáo võ cổ truyền Việt Nam
Nói đến truyền thống và tinh thần thượng võ, có không ít sự ngộ nhận. Chúng tôi nhớ có lần dự buổi tổng kết của một võ phái cổ truyền, có cả ngàn người tham dự, một vị giáo sư có tên tuổi lên phát biểu: Ông cha ta vốn trọng văn khinh võ, người Việt vốn không chuộng võ nghệ. Rồi ông dẫn chứng bằng câu: Quan văn cửu phẩm đã sang/Quan võ tứ phẩm còn mang gươm hầu. Lời phát biểu ấy đã gây nên một làn sóng giận dữ. Lý giải sự nhầm lẫn này, võ sư Lê Kim Hòa có ý kiến thật sâu sắc: Xưa nay việc trị nước thuộc văn ban, giữ nước thuộc võ ban. Nếu nước không còn thì lấy gì cai trị? “Mang gươm hầu” ở đây chính là bảo vệ sự an nguy của triều đình, cũng là giữ yên xã tắc.
Tinh thần thượng võ được hiểu là chuộng nghiệp võ, nghề võ. Mở rộng ra trong ứng xử là thái độ và khí phách hào hiệp. Trong quá khứ, cha ông ta khi đánh thắng kẻ thù, không bao giờ bắt giết tù binh. Sử sách còn ghi chép bao lần tù binh giặc được “trải thảm” thả về để giữ sự hòa hiếu với lân bang. Điều ấy chỉ đúng một nửa, nửa còn lại chính vì dân tộc Việt có đức hiếu sinh, có văn hóa thượng võ không đánh người ngã ngựa. Như thời Lý Thái Tông khi bình Chiêm bắt về hơn 5.000 tù binh, đã ban cho ruộng đất lập thành phường ấp làm ăn. Tinh thần thượng võ ấy đi suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Trọng việc võ, khuyến khích luyện võ chính là hun đúc dân khí, giữ gìn khí mạch dân tộc. Sách Võ cổ truyền Việt Nam viết: “Người xưa dạy rằng: Tập võ chi Đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn”. Võ thuật không chỉ là loại hình văn hóa vận động mà còn là một hiện tượng văn hóa thần kỳ với những công phu đặc dị, công năng khí công tuyệt kỹ, một hệ thống triết học uyên thâm gắn liền với thuyết âm dương, ngũ hành và dịch lý.
Để hiểu rõ hơn ông cha ta từng chuộng võ, trọng võ như thế nào ta có thể đọc qua trích đoạn: “Kể từ đời tiền Lê (năm 986) nhà nước phong kiến đã chọn lựa những trai tráng khỏe mạnh, biết võ nghệ để bổ sung vào quân ngũ. Năm 1253 triều Trần cho lập Giảng võ đường, một trường rèn luyện võ cho hoàng thân quốc thích là các võ tướng. Nhờ dạy và học võ, thời Trần đã xuất hiện nhiều danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão… Chiến công của họ đã làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc Việt trước quân Nguyên – Mông hung hãn một thời. Dưới thời vua Lê Dụ Tông (năm 1721), trường đào tạo võ đầu tiên cho quảng đại quần chúng gọi là Võ học sở được mở tại kinh thành Thăng Long. Tới thời vua Lê Đại Tông, chúa Trịnh Cương định ra các kỳ thi võ nhằm tuyển chọn nhân tài. Các tạo sĩ (tiến sĩ võ) luôn được trọng dụng. Thời hậu Lê, Võ Miếu cũng đã được xây dựng (năm 1740) để thờ những binh gia nổi tiếng. Đến triều Nguyễn, năm 1835 vua Minh Mạng chuẩn tấu theo kiến nghị của Bộ Lễ cho xây Võ Miếu thờ các danh tướng như Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật… Các tạo sĩ đậu trong các kỳ thi võ cũng được khắc tên lên bia tiến sĩ nhằm tôn vinh”. (Nguồn: Võ cổ truyền Việt Nam).
Nếu nói võ học qua các đời được chú trọng như vậy tại sao bị mai một thất truyền? Lúc còn sống, PGS-TS Mai Văn Muôn có bài phân tích rất hay. Theo ông, kể từ khi xuất hiện hỏa khí (súng ống) của người phương Tây, bạch khí (gươm đao) đã bị đánh bại. Lại thêm dưới thời thuộc Pháp, nhà cầm quyền đã cấm võ, cấm truyền bá võ một cách ngặt nghèo. Việc sử dụng chữ Hán bị bãi bỏ, chuyển sang dùng chữ quốc ngữ cũng làm bao nhiêu kinh sách võ học bị thất tán. Nhưng võ dân tộc không mất hẳn, vẫn âm thầm chảy trong mạch sống của nhiều dòng tộc và được lưu giữ đến ngày hôm nay.
Sự phục hưng của võ cổ truyền mấy mươi năm qua chính là nhờ tinh thần thượng võ của biết bao người âm thầm cống hiến công sức, không màng lợi danh. Có thể kể như võ sư Lê Kim Hòa, một trong những “kiến trúc sư” chính hoạt động không mệt mỏi gầy dựng phong trào, xây dựng chương trình huấn luyện thống nhất. Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam Trương Quang Trung luôn “đứng mũi chịu sào” ở những thời điểm khó khăn nhất. Võ sư Trương Văn Bảo dù ở chốn “thâm sơn cùng cốc” vẫn tả xung hữu đột, có mặt kịp thời ở những nơi cam go nhất…
Khôi phục lại hoạt động của võ cổ truyền không chỉ là bảo lưu truyền thống, hoặc đưa ra các sân chơi thể thao quốc tế, dù đó cũng là mục tiêu. Cái chính là làm sống lại tinh thần thượng võ trong mọi tầng lớp, đặc biệt là giới trẻ. Có thể nói không ngoa rằng chính với tinh thần võ sĩ đạo, người Nhật đã ngoan cường đứng lên trong hoang tàn sau chiến tranh. Người Hàn Quốc, Trung Quốc luôn coi võ thuật dân tộc của họ là quốc bảo. “Một ngày nào đó võ cổ truyền có mặt ở học đường, phủ kín các sân trường đại học sẽ là ngày hạnh phúc nhất của những người theo đuổi nghiệp võ như chúng tôi”, đó là những lời nói chân tình, tâm huyết của làng võ cổ truyền mà võ sư Lê Kim Hòa đã thay mặt bộc bạch trong một ngày đầu năm mới.
Cao Thụ
Kỳ 3: Tinh hoa võ thuật
Tôi là Nguyễn Văn Sỹ có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế, thi công đồ nội thất; với niềm đam mê và yêu nghề tôi đã tạo ra những thiết kếtuyệt vời trong phòng khách, phòng bếp, phòng ngủ, sân vườn… Ngoài ra với khả năng nghiên cứu, tìm tòi học hỏi các kiến thức đời sống xã hội và sự kiện, tôi đã đưa ra những kiến thức bổ ích tại website nhaxinhplaza.vn. Hy vọng những kiến thức mà tôi chia sẻ này sẽ giúp ích cho bạn!