Món &quottiểu hổ&quot và mối họa của loài mèo

“Tiểu hổ”!

Cũng như con chó, con mèo bước được lên hàng thương phẩm cũng là nhờ vào khẩu vị của cánh… “lai rai” và của cả những người sành điệu trong bộ môn ẩm thực ở miền Bắc. Ngoài ấy, người ta không gọi mèo là… mèo, mà con mèo được mọi người gọi bằng một cái tên rất “sang trọng”: Tiểu hổ! Có lẽ nhờ trời ban cho cái dáng dấp na ná ngoại hình của “chúa tể rừng xanh” nên con mèo được liệt vào hàng “quý tộc” như thế! Và, ở ngoài ấy, con mèo không chỉ là vật nuôi làm dáng trong những căn hộ mà nó còn là một món “đặc sản”. Nó có mặt cả trong những đám cưới, đám giỗ, đám tiệc. Nhưng không phải là đại trà, mà chỉ những gia đình thuộc hàng “đại gia” thì mới bày được món ấy lên bàn tiệc. Một “cố nhân” khi vào Bình Định, trong cuộc nhậu lai rai đã bất chợt hỏi tôi: “Ở đây có quán đặc sản “tiểu hổ” nào không?”. Khi biết đó là món mèo, tôi phân bua: “Món ấy còn quá xa lạ với dân miền Trung thì làm gì có quán”. Ông bạn bảo: “Ở ngoài ấy, “cầy tơ” đã được liệt vào hàng “top ten” trong các món nhậu, nhưng món “tiểu hổ” còn đứng trên nó nhiều bậc. Để gắp được món ấy, chỉ có dân dòng dõi “tôn thất” mới có điều kiện”.

Chuyện khó tin ấy bây giờ đã là chuyện thường. Con mèo đang được “ăn” mạnh. Lại cũng như con chó cách đây hơn 10 năm, bây giờ đó đây đã mọc lên những đại lý chuyên thu mua… mèo. Trò chuyện với một chủ hàng người Hà Nội chuyên thu mua mèo dọc miền Trung, tôi được biết thêm: Ở Hà Nội ngày càng có nhiều hơn những nhà hàng “đặc sản tiểu hổ”. Đây đang là một món nhậu cao cấp, giá của món “tiểu hổ” cao gấp đôi so với món “cầy tơ”, thế nhưng người sành điệu không bao giờ so đo, nhậu được món “tiểu hổ” dù hầu bao có “vơi” hơn một chút họ cũng thấy mãn nguyện. Sở dĩ món “tiểu hổ” được “sủng ái” đến thế là do không biết từ góc nhìn nào mà người ta nhận ra trong con mèo tiềm tàng một sức mạnh “phi thường”. Sức mạnh ấy được người sành điệu minh họa bằng những dáng nhảy, dáng chạy, trong tư thế mèo rơi từ trên cao xuống… Tất cả những điều ấy chứng tỏ trong cơ thể nhỏ nhắn của con mèo tiềm ẩn một căn cốt có “nhiều thành công lực” và một sự dẻo dai đáng nể mà con người luôn cần đến, nhất là các đấng mày râu đang trong độ tuổi “nửa đời người”, ăn nó vào ắt hẳn không ít thì nhiều người ăn cũng có được “nội công thâm hậu”! Không chỉ vậy, con mèo còn được cánh Đông y quan tâm vì bộ xương của nó sẽ cho họ món “cao tiểu hổ” đang được nhiều khách hàng để mắt với cái giá từ 700.000đ đến 1.000.000đ/lạng với hiệu lực: một lạng cao mèo ngâm với 2 lít rượu ngon, sau mỗi bữa ăn “nhỉnh” một ly, thế là mọi nhức mỏi liền tan biến!? Ngoài ra, “phía cầu” của con mèo còn đang được mở rộng ra đến các vùng nông thôn. Ở các vùng nông thôn phía Bắc, không phải họ mua mèo để “nhậu” mà là để nuôi tăng cường cho chiến dịch diệt chuột bảo vệ mùa màng. Do có “đầu ra” lớn như vậy nên con mèo bỗng dưng bước lên hàng thương phẩm cũng là chuyện đương nhiên.

“Hết chó bắt mèo gỡ”!

Từ nhu cầu ấy, con mèo hiện đang được lực lượng đi mua rong “săn” ráo riết. Lực lượng rong mua mèo cũng chính là lực lượng chuyên rong mua chó “kiêm nhiệm”. Anh Dương Ngọc Hùng ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn (Bình Định) – một lái rong chó chuyên nghiệp – cho biết: “Con chó bây giờ đã trở nên quá khan hiếm nên trong những chuyến rong mua chúng tôi tìm mua mèo là chủ yếu. Mua mèo ít vốn, chở nhẹ, bắt dễ, chỉ cần một cái kiềm như kiềm bắt chó thu nhỏ lại sao cho vòng kiềm vừa cổ con mèo là thao tác gọn gàng, và chủ yếu là cho món lời không kém mua một con chó. Đang trong thời kỳ mới mẻ nên mua mèo “dễ ăn” hơn. Với con mèo chúng tôi chỉ mua “bộ”, mèo to, nhỏ cỡ nào cũng chỉ mua với giá từ 10.000đ đến 20.000đ/con (từ 2 kg trở lên). Nhưng khi về bán cho đại lý thì chúng tôi được tính giá cân: 15.000đ/kg hơi. Mua được một con mèo có lãi ít nhất cũng là 15.000đ, ngày mua được 2 con là đủ ngày công. Con mèo bây giờ được mua mạnh còn hơn cả con chó, các đại lý sẵn sàng có quà cho những ai cung cấp mèo với số lượng nhiều!”. Cũng theo anh Hùng cho biết, do mua mèo “ngon ăn” nên sự cạnh tranh trong lực lượng mua mèo đang trở nên khá khốc liệt, giá mua mèo đang nâng lên từng ngày. Thậm chí các chủ hàng thu mua mèo miền Bắc đã đưa hẳn một “lực lượng” khá “hùng hậu” vào tận các tỉnh miền Trung đi mua gom để chuyến hàng nhanh đầy. Với những cái xoong chất đầy 2 bên baga xe gắn máy (dùng để đổi mèo), những người rong mua mèo miền Bắc lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, từ phố xá đến làng quê. Lực lượng này do “mua gốc bán ngọn” nên có giá mua rất trội, thậm chí họ sẵn sàng đổi 2 cái xoong nấu cháo heo lấy 1 một con mèo! Hình thức trao đổi này rất “hít” với người dân nông thôn nên chuyện mua mèo ngày trở nên khó hơn với người rong mua mèo “sở tại”.

Điều khá thú vị là cũng như con chó, hiện nay con mèo đã được đi vào những câu rao mua nghe cũng vui tai lắm. Trong một chuyến “rong” theo những người đi mua mèo, tôi không thể quên được những câu rao “dễ thương” như thế này: “Ai có mèo đực theo cái, mèo gái theo trai… bán – mua!”. Hoặc: “Ai có mèo trèo niêu, có miêu lật trã… bán – mua!”. Cứ thế, những câu rao ấy vang vang, suốt ngày, khắp nơi và, sự hấp dẫn của những câu rao ấy đã gây được sự tò mò lắng nghe để rồi sau đó sẽ diễn ra một cuộc mua bán.

Lời kết

Khi xã hội tạo thêm nhiều công việc có thu nhập khá cho những người dân nông thôn để họ giải quyết những ngày nông nhàn quả là điều đáng phấn khởi. Thế nhưng trong chuyện con mèo bước lên hàng “thương phẩm” và đang được thương lái thu mua mạnh này nghe ra có điều bất cập. Bởi đồng ruộng của chúng ta đã phải gánh chịu không ít thiệt hại do lũ chuột phá hoại và vấn đề diệt chuột luôn là mối bận tâm của nhà nông thì hiện nay các vùng nông thôn đang lâm vào tình trạng “chảy máu” mèo, “vị khắc tinh” số một của lũ chuột. Có phải chăng chuyện mua bán mèo hiện nay là một chuyện “lợi bất cập hại” mà chúng ta nên dừng lại trước khi mèo bị “tuyệt chủng” trên dải đất miền Trung?

Vũ Đình Thung